Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Đồng lòng và chủ động xây dựng lộ trình triển khai thực hiện sáp nhập trường, điểm trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 1-4, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sáp nhập trường, điểm trường nhằm đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh.
Đồng chủ trì hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định. Dự hội nghị còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định thông tin: Sau 3 năm triển khai Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 5-6-2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc sáp nhập trường, điểm trường trên địa bàn, đến nay, tổng số trường công lập giảm 83 trường (giảm 10,4%) so với năm học 2017-2018. Trong đó, giảm 10 trường bậc mầm non, 68 trường tiểu học, 48 trường THCS; tăng 42 trường tiểu học và THCS; tăng 1 trường THPT (gồm cả trường THCS và THPT do sáp nhập để hình thành các trường liên cấp). Tổng số lớp của trường công lập giảm 515, số điểm trường giảm 406; tăng 18.459 học sinh; tăng 2.806 lớp học 2 buổi/ngày, lớp chuyên biệt, dân tộc nội trú. Tổng số trường ngoài công lập tăng 14 trường, đạt tỷ lệ tăng 40% so với năm học 2017-2018; tăng 187 lớp của trường tư thục, tăng 4.768 học sinh… 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Việc sắp xếp, tổ chức lại các CSGD đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Tình trạng trường, lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục. Hàng trăm điểm trường lẻ đã được dồn ghép, sáp nhập vào các điểm trường chính; nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Nhờ đó, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại một số trường được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ gián tiếp. Mạng lưới trường, lớp vùng dân tộc thiểu số được củng cố, phát triển từ bậc mầm non đến phổ thông. Đa phần các thôn, làng đều có lớp mầm non, các xã đều có trường tiểu học ở trung tâm xã. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em được đi học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT. Mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú ngày càng mở rộng về quy mô.
Trong giai đoạn này, các trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập cũng phát triển khá mạnh với 25 trung tâm được thành lập mới, phục vụ nhu cầu học tập của người dân, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sự phát triển các CSGD ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Song song với việc rà soát, sắp xếp hệ thống các CSGD, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được các địa phương thực hiện cơ bản hợp lý, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo đúng các quy định hiện hành. Việc sắp xếp, sáp nhập trường lớp được các địa phương tích cực thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân. Việc đưa trẻ từ điểm trường về học ở trường chính đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 414/763 trường, đạt 54,26%.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được cũng như tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai việc sáp nhập trường, điểm trường. Cụ thể, việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do khoảng cách đi đến trường xa hơn; việc sáp nhập dẫn đến một số CSGD thiếu các điều kiện để thực hiện hoạt động giáo dục, không đảm bảo các tiêu chí để công nhận trường chuẩn quốc gia; nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng khi số học sinh bán trú tăng lên, không đáp ứng đủ nhu cầu học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học; tình trạng thiếu cơ sở vật chất ở trường chính khi xóa bỏ các điểm trường dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ đến trường bị ảnh hưởng… Trong đó, việc sắp xếp cán bộ quản lý sau sáp nhập, thực trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân viên tại các trường học được lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm và đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Việc sáp nhập trường, điểm trường nhằm đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CSGD trên địa bàn tỉnh là phù hợp và đáp ứng trong tình hình mới. Do đó, đề nghị UBND các địa phương tiếp tục rà soát lại việc thực hiện nội dung Chương trình hành động số 64-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó tập trung rà soát lại việc bố trí cán bộ quản lý trong trường học, việc bố trí giáo viên giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Trong đó, các địa phương cũng cần rà soát và có giải pháp sử dụng hợp lý các tài sản dôi dư sau khi sáp nhập các trường, điểm trường. Đồng thời, các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đồng thuận, đồng lòng và chủ động xây dựng lộ trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với việc thực hiện Công điện số 209/CĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp tổ chức hành chính đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nội vụ nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Công điện số 209/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức làm việc với các địa phương nhằm hướng dẫn và thẩm định việc thiếu giáo viên và nhân viên trong trường học, để tham mưu UBND tỉnh về việc phân bổ giáo viên, nhân viên cho các địa phương đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền về chương trình tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19 trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát, nghiên cứu trình UBND tỉnh về chính sách đặc thù để ngành Giáo dục ngày càng phát triển hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.