Học sinh mầm non đến trường: An toàn đặt lên hàng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 14-1, hơn 2.600 học sinh bậc mầm non của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đến trường học trực tiếp. Công tác phòng-chống dịch được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn cho cả cô và trò.  
Niềm vui đến trường
Kể từ đầu năm học 2021-2022, học sinh bậc mầm non tại nhiều địa phương phải học trực tuyến để đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19. Nhiều cháu chưa từng vào lớp học nay được gặp trực tiếp cô giáo và bạn bè nên vui lắm. Với các cô, mặc dù cố gắng truyền đạt bài học qua các clip dựng sẵn nhưng lúc dạy trực tuyến hiệu quả vẫn không được như mong đợi. Vì vậy, ngay khi có thông báo học sinh mầm non được đến trường học trực tiếp, các cô giáo không giấu được vui mừng.
Ghé thăm Trường Mầm non Họa Mi (xã Ia Tul), chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu tiên học sinh được đến trường sau kỳ nghỉ kéo dài. Sân trường sôi động hẳn lên bởi tiếng nô đùa, trò chuyện hồn nhiên của trẻ. Cháu Lê Minh Khôi (lớp 4-5 tuổi) vui vẻ kể: “Tuy ở nhà mẹ có mở điện thoại cho con coi bài cô giảng nhưng con thích được đến trường nghe cô giảng hơn. Con rất vui vì được đi học, được chơi nhiều đồ chơi đẹp, được học hát, học múa, được nghe cô kể chuyện nữa”.
Học sinh Trường Mầm non Họa Mi (xã Ia Tul) được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Vũ Chi
Học sinh Trường Mầm non Họa Mi (xã Ia Tul) được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Vũ Chi
Với các cô giáo, khó có thể diễn tả hết niềm vui được dạy trực tiếp cho học sinh trên lớp. Một nửa năm học vừa qua, tuy học sinh không đến trường nhưng các cô vẫn phải thường xuyên đến lớp. Cùng với việc dọn dẹp vệ sinh, trang trí lại trường lớp, các cô tự mình quay video nội dung bài học để đăng tải lên nhóm Zalo phụ huynh của lớp, truyền tải kiến thức đến với học sinh. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, các cô xuống trực tiếp thôn, làng tập hợp thành từng nhóm nhỏ, trình chiếu lại nội dung video để các em nắm được bài. Cô Nay H’Kua-giáo viên lớp 4-5 tuổi-chia sẻ: “Thật không có gì vui hơn khi được đón các cháu đến trường học trực tiếp. Tuy vất vả hơn vì vừa phải giảng dạy kiến thức tuần tiếp theo, vừa ôn lại kiến thức cũ cho các cháu nhưng được trực tiếp chỉ bảo, uốn nắn, thấy các cháu cười đùa mỗi ngày, mọi vất vả dường như tan biến. Điều đặc biệt là các cháu dường như ngoan hơn hẳn vì đều mong mỏi ngày được đến trường”.
Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Trok) có 445 học sinh gồm 14 nhóm lớp và 1 nhóm trẻ. Đưa con đến trường sau kỳ nghỉ kéo dài vì dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Hải (thôn Quý Tân) cho hay: Thời gian qua vì dịch bệnh con không thể đến trường nên phụ huynh cũng vất vả hơn trong việc trông coi. Ban ngày, chị phải gửi con cho ông bà nội trông giùm. Thi thoảng, ông bà bận, chị phải chở con đi làm cùng. “Sợ nhất là năm sau cháu vào lớp 1 sẽ bỡ ngỡ. Giờ thì tốt rồi, được đi học lại, con được các cô trông nom, dạy bảo, được ăn ngon, ngủ nghỉ đúng giờ giấc nên tôi rất yên tâm. Hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát để các cháu không phải nghỉ học giữa chừng như các năm trước”-chị Hải bộc bạch.
Đảm bảo an toàn phòng dịch
Ngày học sinh mầm non trở lại trường, công tác phòng-chống dịch cũng được đặt lên hàng đầu. Cô Lê Thị Lài-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi-cho biết: Toàn trường có 141 học sinh, gồm 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ. Đến ngày 18-1, 90 cháu được bố mẹ đưa đến lớp. Để đảm bảo công tác phòng-chống dịch, trước khi học sinh trở lại trường, nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi cho các cháu. Ban Giám hiệu bố trí điểm đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho tất cả học sinh ngay tại cổng trường. Trong lớp học, các cháu giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Tuy chưa hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng nghe lời cô và ba mẹ dặn, các cháu ngoan ngoãn chấp hành quy định về 5K khi đến trường.
Các em học sinh Mầm non được bố trí ngồi giãn cách, đeo khẩu trang để đảm bảo phòng-chống dịch.Ảnh.Vũ Chi
Học sinh mầm non được bố trí ngồi giãn cách, đeo khẩu trang để đảm bảo phòng-chống dịch. Ảnh: Vũ Chi
Trong khi đó, tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó), theo thống kê đầu năm học, tổng học sinh của trường là 470 em. Tuy nhiên, sau khi đi học trực tiếp, số lượng học sinh tăng thêm 5 em. Đến ngày 18-1, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 75%. Số còn lại đa phần theo bố mẹ đi rẫy chưa về. Để đảm bảo sĩ số học sinh đến trường đầy đủ cũng như đảm bảo công tác phòng-chống dịch, ngoài việc thông tin trên nhóm Zalo của lớp, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thông báo rộng rãi thời gian đi học trở lại cũng như tuyên truyền để phụ huynh trang bị khẩu trang cho các cháu khi đến trường; với các cháu học sinh trở về từ vùng dịch, có biểu hiện ho, sốt, phụ huynh tuyệt đối không đưa đến trường.
Theo ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa, căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, UBND huyện đã đồng ý cho 9 trường mầm non chính quy và 3 nhóm trẻ tư thục với khoảng hơn 2.600 học sinh triển khai dạy học trực tiếp. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Phòng, các trường triển khai kế hoạch cụ thể, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi học sinh trở lại trường. Hiện tại, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 80%. Trong thời gian tạm nghỉ, các trường đều tổ chức sơn sửa, làm đồ dùng, đồ chơi mới. Cùng với công tác dạy-học, các trường cũng đang tích cực chuẩn bị cho ngày hội Xuân yêu thương nhằm mang cái Tết vui tươi, ấm áp cho học sinh nghèo, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trước thềm năm mới.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.