Để việc kiểm tra không còn là nỗi lo của học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều địa phương đã cho học sinh trở lại trường học trực tiếp, các địa phương còn lại cũng đang khẩn trương chuẩn bị đón học sinh. Trong nhiều lo tính, có việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ 1.

Kiểm tra là khâu quan trọng, tác dụng tương hỗ với dạy học, là việc xưa nay các trường vẫn làm. Kết quả kiểm tra để phân loại, đánh giá học sinh, làm căn cứ tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh đại học, cao đẳng…

Dạy học trực tuyến khiến thầy cô, phụ huynh, học sinh lo lắng về chất lượng. Nếu vẫn áp mục tiêu đánh giá như những năm học trước, thì cả người học và cơ sở giáo dục chịu áp lực. Nhưng nếu “nhẹ tay” thì không công bằng, không phản ảnh thực chất dạy học hiện nay.


 

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trở lại trường học trực tiếp chuẩn bị ôn tập kiểm tra cuối kỳ 1. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trở lại trường học trực tiếp chuẩn bị ôn tập kiểm tra cuối kỳ 1. Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Tôi biết có học sinh mệt mỏi vì kiểm tra, có em kiểm tra xong, lúc về nhà... ngủ quên cả cơm chiều. Khi học trực tuyến thì chập chờn, lúc kiểm tra thì lắt léo, đánh đố, nhiều người sẽ không làm được nói chi học sinh!

Làm sao để kiểm tra không làm học sinh lo sợ, tôi có mấy kiến nghị sau:

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh thông tư về kiểm tra, đánh giá học sinh hiện hành (Thông tư 58, Thông tư 26, Thông tư 27, Thông tư 22), theo hướng, mỗi môn học chỉ thực hiện 1 bài kiểm tra/học kỳ. Ở THCS, THPT, ngoài 3 bài kiểm tra độc lập (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) là 2 bài kiểm tra theo tổ hợp môn như tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Được vậy, thầy trò nhẹ nhàng, các trường có thêm thời gian củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh, tập trung phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm cho thầy trò tuyệt đối an toàn khi dạy học tại trường.

Đánh giá học sinh, kết quả học tập theo 2 mức, “Đạt” và “Cần cố gắng”. Mỗi lớp chọn từ 1 - 3 học sinh để khen thưởng, tạm gác lại việc bình chọn các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong năm học này.

Kế đến, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt là lãnh đạo các trường học quản lý chặt chẽ ma trận đề kiểm tra, chỉ kiểm tra những kiến thức, kỹ năng với yêu cầu nhận biết, thông hiểu là chủ yếu. Vùng vận dụng cao để thử thách học sinh xuất sắc chiếm 0,5 - 0,75 điểm/10 điểm/bài kiểm tra. Bên cạnh việc tự giác của thầy và trò là tăng cường nhắc nhở, giám sát, kiểm tra, thanh tra - đề phòng giáo viên lấy việc kiểm tra ép học sinh đi học thêm và học sinh gian lận trong kiểm tra. Yêu cầu của một đề kiểm tra nhẹ nhàng về kiến thức, kỹ năng nhưng đảm bảo trung thực, công bằng.

Tiếp đến, điều chỉnh kế hoạch giáo dục để từ 2 - 4 tuần đầu kể từ ngày trở lại trường dạy học trực tiếp là thời gian giáo viên ôn tập lại, kể cả dạy lại cho học sinh. Dành thời gian thích hợp cho các môn văn, ngoại ngữ, toán, lý, hóa, sinh. Không ít thầy cô dùng giáo án “quen”, nhưng khi kiểm tra thì lại ra những câu hỏi “lạ”. Để khắc phục tình trạng này, nên dành một khoảng thời gian cho học sinh làm quen với một vài đề kiểm tra thử.

Qua kiểm tra, nhiều học sinh làm bài được, không chỉ phụ huynh, học sinh vui mà thầy cô cùng vui. Việc đến trường, cốt là làm sao cho mọi người được an vui!

Cuối cùng, lúc ban giám hiệu duyệt đề kiểm tra cần thảo luận kỹ với tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn để đảm bảo đề kiểm tra phù hợp với dạy học trong trạng thái bình thường mới hay dạy học trực tuyến khi các em phải tạm dừng đến trường.

Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, có nhiều điều phải làm, mà trong đó, việc kiểm tra không gây lo sợ cho học sinh là việc cần làm ngay.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/30-ti-lot-tay-kit-test-va-nhung-vuon-chanh-rung-kin-duoi-muong-roi-986491.ldo
 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương/TNO

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.