Gia Lai: Ổn định dạy và học sau thời gian tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi đón học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng ổn định nền nếp dạy và học. Tất cả cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” trong điều kiện bình thường mới.

Siết chặt phòng-chống dịch

Vì nằm trong vùng dịch nên việc đón học sinh trở lại trường an toàn được các cơ sở giáo dục ở khu vực phía Đông Nam tỉnh đặc biệt coi trọng. Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Đoàn Kết) có đông học sinh nhất tại thị xã Ayun Pa với 1.045 em. Trong ngày đi học lại đầu tiên, toàn trường vắng 17 học sinh. Ngoài 1 em nằm trong khu vực phong tỏa tại tổ 4, phường Cheo Reo (đã đi học vào ngày 2-3 sau khi khu vực này được gỡ phong tỏa), số còn lại do về quê ăn Tết, rồi dịch bệnh bùng phát nên bị kẹt lại.

Thầy Nguyễn Đức An-Hiệu trường nhà trường-cho hay: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, nhà trường không tổ chức cho học sinh chào cờ đầu tuần cũng như tập thể dục giữa giờ, đảm bảo 100% học sinh đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tập. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đều tuân thủ các quy định về phòng-chống dịch”.

Hầu hết các trường đều trang bị bồn rửa tay và nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Mộc Trà
Hầu hết các trường đều trang bị bồn rửa tay và nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Mộc Trà

Với tâm thế đầy phấn khởi, em Tào Thị Mai Hậu (lớp 6/3) chia sẻ: “Em rất vui vì được đi học trở lại. Được ba mẹ và thầy cô hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, chúng em rất yên tâm. Trong thời gian nghỉ, em tự ôn bài ở nhà để không quên kiến thức”.

Trao đổi với P.V, ông Võ Đức Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Ayun Pa-thông tin: Nhằm đảm bảo công tác phòng-chống dịch, Phòng đã chỉ đạo tất cả các trường tạm dừng các hoạt động tập thể như chào cờ, tập thể dục giữa giờ, sinh hoạt ngoại khóa; giảm thời gian giải lao giữa giờ từ 15 phút xuống còn 5 phút để hạn chế tập trung đông người. Các trường tiểu học dừng hoạt động bán trú; riêng trường mầm non vẫn duy trì bán trú cho trẻ nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng-chống dịch.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT cũng đã kiểm tra tất cả các đơn vị trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường. Nhìn chung, các đơn vị đều thực hiện tốt quy định về phòng-chống dịch. Tuy nhiên, qua thống kê, tỷ lệ học sinh trở lại trường ở bậc mầm non chỉ đạt 25%, tiểu học là 81,1% và THCS đạt 93,8%.

Tương tự, để học sinh an tâm tới lớp, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ phòng học, phòng làm việc; bố trí điểm đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và phát khẩu trang miễn phí cho những em quên mang theo. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh trong suốt buổi học, kịp thời báo cho Ban Giám hiệu nhà trường để có phương án xử lý khi phát hiện có trường hợp ho, sốt.

Tại xã vùng biên Ia Krai (huyện Ia Grai), gần 1 tuần nay, hơn 600 học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng phấn khởi trở lại trường học tập. Mang khẩu trang đầy đủ, các em xếp hàng ngay ngắn để được thầy-cô giáo đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp.

Theo Hiệu trưởng Trần Văn Chương, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà trường triển khai tổng dọn vệ sinh, trang bị thêm hệ thống vòi nước rửa tay, khăn lau tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế... Khi học sinh tới lớp, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tuyên truyền về các biện pháp phòng-chống dịch. Riêng việc đo thân nhiệt cho học sinh được tiến hành tại cổng trường vào buổi sáng và trước lớp học vào buổi chiều.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tăng cường dạy và học phụ đạo 2 buổi/tuần/lớp để củng cố lại kiến thức cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tăng cường dạy và học phụ đạo 2 buổi/tuần/lớp để củng cố lại kiến thức cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà



Ổn định nền nếp dạy và học

Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19, hầu hết các trường học đều triển khai dạy trực tuyến. Tuy nhiên, công tác này còn gặp khó khăn dẫn đến tỷ lệ học sinh tham gia thấp. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, số học sinh tham gia học trực tuyến bậc tiểu học đạt 31%, bậc THCS đạt 26,4%, cấp THPT là 84,5%, riêng khối giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên chỉ đạt 13,1%. Bậc mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, thay vào đó, giáo viên gửi video để chuyển tải đến phụ huynh các nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với độ tuổi.

“Với những trường ở vùng biên, việc dạy và học trực tuyến là vô cùng khó khăn; tỷ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học tham gia học rất thấp. Suốt thời gian tạm nghỉ, nhà trường chỉ có thể phát phiếu bài tập để các em tự ôn tập tại nhà. Vì vậy, hiện nay, chương trình học được nối tiếp từ tuần 21 (thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ học để phòng-chống dịch). Ngoài ra, nhà trường sẽ tăng cường dạy và học phụ đạo 2 buổi/tuần/lớp để củng cố kiến thức cho các em”-thầy Trần Văn Chương cho hay.

Cũng theo thầy Chương, đến nay, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt khoảng 97%. Thuận lợi là giáo viên của trường đều không đến những vùng có dịch trong dịp Tết. Vì vậy, sau khi học sinh đi học trở lại, công tác dạy và học nhanh chóng vào nền nếp.

Cô và trò Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã ổn định nền nếp sinh hoạt, học tập sau gần 1 tuần trở lại trường. Ảnh: Mộc Trà
Cô và trò Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã ổn định nền nếp sinh hoạt, học tập sau gần 1 tuần trở lại trường. Ảnh: Mộc Trà

Mặc dù có triển khai dạy trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ nhưng tỷ lệ học sinh của Trường THPT Võ Văn Kiệt tham gia chỉ đạt khoảng 40%. Vì thế, những ngày qua, giáo viên kết hợp ôn lại kiến thức cũ cho học sinh. Thầy Hoàng Nhu-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Đối với 21 học sinh vắng mặt trong ngày đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và phụ huynh để đôn đốc, nhắc nhở các em quay trở lại trường. Riêng những em đang phải cách ly thì giáo viên sẽ phụ đạo thêm”.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) hiện còn 3 giáo viên đang trong thời gian cách ly 14 ngày tại nhà. Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện, nhà trường đã bố trí giáo viên dạy thay. “Tôi được phân công dạy thay cô Siu H’Vin đang cách ly tại nhà. Sau thời gian nghỉ, phần lớn các em bị quên kiến thức. Mặc dù không thể thấu hiểu học sinh bằng cô giáo chủ nhiệm nhưng tôi sẽ cố gắng giúp các em tiến bộ hơn”-cô Ksor H’Pen tâm sự.

Ở bậc mầm non, các cô giáo cũng đã nhanh chóng giúp trẻ ổn định nền nếp học tập và sinh hoạt. Theo cô Phạm Thị Ánh Ngọc-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đê Ar (huyện Mang Yang), sau khi trở lại học tập, giáo viên phải rèn lại cho các cháu thói quen khi ở trường, kết hợp với triển khai các hoạt động dạy học, vui chơi phù hợp tại lớp và ngoài trời để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Đến nay, nền nếp dạy và học cơ bản đã ổn định.

Việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 được các trường tập trung đẩy mạnh sau khi các em trở lại trường. Ảnh: Mộc Trà
Việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 được các trường tập trung đẩy mạnh sau khi các em trở lại trường. Ảnh: Mộc Trà
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT: “Sở đã chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục rà soát những nội dung dạy học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ để có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho các em; tổ chức dạy học có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, tập trung cao cho các lớp cuối cấp để đảm bảo chất lượng đầu ra và phục vụ công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp”.

Bên cạnh củng cố kiến thức cũ, hầu hết các trường đều truyền đạt kiến thức mới cho học sinh đảm bảo đúng tiến độ chương trình. Riêng đối với học sinh khối 12, việc ôn tập thi tốt nghiệp được các trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên đẩy mạnh sau thời gian nghỉ vì dịch bệnh.

Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku-cho biết: “Trường có 14 lớp 12 với 566 học sinh. Thời điểm trước Tết, nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập được 3 tuần với 2 môn Toán và Tiếng Anh. Hiện nay, các em đang ôn tất cả 9 môn thi với thời lượng 2 tiết/môn/tuần vào trái buổi học chính khóa để hệ thống lại toàn bộ kiến thức căn bản đã học”.

Bày tỏ quyết tâm khi đi học trở lại, em Trương Thị Hoàng Giang (lớp 12A4, Trường THPT Pleiku) nói: “Khi phải nghỉ học vì dịch, em rất lo lắng bởi học trực tuyến không thể bằng tương tác trực tiếp với giáo viên trên lớp. Ngoài tự ôn tập, em thường nhắn tin riêng trao đổi với thầy-cô giáo bộ môn về những vấn đề còn vướng mắc, chưa hiểu. Rất may dịch bệnh được khống chế, chúng em lại có thể đến trường. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đạt được kết quả cao trong kỳ thi quan trọng cuối cấp”.

MỘC TRÀ-VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.