"Vào guồng" ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc học kỳ I cũng là thời điểm các trường THPT ở Gia Lai bắt đầu vào “guồng quay” ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Nhiều giải pháp được vạch ra nhằm duy trì và nâng cao điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm 2021.
Quyết tâm từ các trường
9 năm liên tục có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT là thành tích rất đáng tự hào của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Để tiếp tục duy trì thành tích này và nâng cao hơn nữa chất lượng điểm thi tốt nghiệp của học sinh, ngay từ đầu năm học 2020-2021, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp đột phá. 
Theo Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên, năm học 2020-2021, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có 4 lớp 12 với 118 học sinh. Kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT được xây dựng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện 10 tuần trong năm học, thời lượng ôn tập đối với 2 môn Toán, Ngữ văn là 4 tiết/tuần, các môn học còn lại 3 tiết/tuần. Giai đoạn 2 có 5 tuần, được thực hiện sau khi kết thúc năm học, thời lượng ôn tập đối với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh 7 tiết/tuần; môn Lịch sử 6 tiết/tuần; môn Địa lý 5 tiết/tuần, các môn còn lại 4 tiết/tuần.
Bắt đầu từ giữa học kỳ I đến nay, nhà trường đã lên thời khóa biểu ôn tập cho học sinh vào những buổi trống tiết, đảm bảo 2 tiết/môn/tuần đối với 3 môn chính là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Cường độ ôn tập được tổ chức phù hợp với khả năng của học sinh, tránh chạy theo thành tích dẫn đến quá tải và phản tác dụng.
Một tiết ôn tập môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
Một tiết ôn tập môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Hồng Thi
“Kết thúc học kỳ I, khối 12 có 14 học sinh giỏi, 72 học sinh khá, 31 học sinh trung bình và 1 em học lực yếu. Căn cứ kết quả này, nhà trường đã chỉ đạo tách riêng số học sinh có học lực yếu, kém các môn học để giáo viên tổ chức phụ đạo, giúp đỡ thêm ngoài giờ với thời lượng 1-2 tiết/tuần nhằm giúp các em củng cố kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn phân công học sinh có học lực khá, giỏi giúp đỡ học sinh yếu từng môn học. Hàng tuần, giáo viên theo dõi, báo cáo với hiệu trưởng kết quả học tập của những học sinh yếu để có biện pháp quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học”-thầy Nguyên cho biết.
Là nơi theo học của học sinh thuộc 6 xã khó khăn của huyện Đak Đoa, thời gian qua, Trường THPT Lê Hồng Phong luôn nỗ lực trong dạy và học để nâng cao hơn nữa tỷ lệ tốt nghiệp. Từ đầu tháng 10-2020, nhà trường đã triển khai ôn tập cho học sinh khối 12 vào buổi chiều đối với tất cả 9 môn thi. Đến đầu tháng 3-2021, nhà trường sẽ tiến hành phân loại, chia học sinh theo tổ hợp mà các em đăng ký để tăng cường ôn tập.
Thầy Võ Tiến Tùng-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học này, toàn trường có 180 học sinh lớp 12, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 30%. Do đối tượng đầu vào thấp nên giáo viên phải vừa động viên, vừa ôn luyện cho các em từng chút một từ thấp đến cao. Để nâng cao chất lượng ôn tập, các tổ chuyên môn dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, các văn bản và đề tham khảo năm trước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT để biên soạn tài liệu ôn tập. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trực tuần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn học sinh trong các giờ tự học buổi chiều và buổi tối đối với các em ở bán trú, đảm bảo việc tự học nghiêm túc và có chất lượng. Mục tiêu mà nhà trường đề ra trong năm 2021 là tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp phải bằng hoặc cao hơn năm 2020.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tiếp tục đạt kết quả cao, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, ngay từ đầu năm học 2020-2021, Sở đã yêu cầu các trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn và trên cơ sở khung thời gian 35 tuần thực học; chỉ đạo tổ hoặc nhóm chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp năm 2020 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp năm 2021.
Bên cạnh xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập, biên soạn tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phù hợp, các trường cần tổ chức các lớp ôn tập theo từng nhóm năng lực, nguyện vọng bài thi tự chọn; chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Kết thúc học kỳ I cũng là thời điểm các trường THPT “vào guồng” ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: Hồng Thi.
Kết thúc học kỳ I là thời điểm các trường THPT “vào guồng” ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: Hồng Thi
“Ngày 19-11-2020, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và chỉ đạo các đơn vị duy trì và nâng cao vị thứ tỷ lệ tốt nghiệp THPT; tăng điểm trung bình các bài thi của học sinh; tăng vị thứ xếp hạng điểm trung bình các bài thi; giảm độ chênh lệch giữa điểm trung bình các bài thi và điểm trung bình học lực lớp 12; tăng vị thứ xếp hạng độ chênh lệch. Sau khi kết thúc học kỳ I, Sở chỉ đạo các trường THPT tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể, phấn đấu giữ vững vị thứ và tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường nói riêng và toàn tỉnh nói chung trong năm 2021”-ông Lê Duy Định cho biết.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.