Mỗi học sinh được nhận xét 26 lần trong năm !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu giáo viên nhận xét đúng và ý nghĩa, thì sẽ khích lệ và tạo động lực cho học sinh phát triển năng lực tốt hơn. Tuy nhiên, việc nhận xét nhiều học sinh sẽ khiến giáo viên vất vả, mất thời gian.

Cần đa dạng hình thức học tập để thay đổi cách đánh giá - Ảnh: Bảo Châu
Cần đa dạng hình thức học tập để thay đổi cách đánh giá - Ảnh: Bảo Châu



Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo đó, điểm mới của thông tư 26 so với 58 trước đây về đánh giá học sinh trung học là tất cả các môn học đều kết hợp cho điểm số và nhận xét. Từ đây, nhiều giáo viên đã đưa ra ý kiến từ công việc thực tế của mình.
Nhận xét đúng giúp học sinh phấn đấu hơn

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM), cho rằng sự kết hợp giữa định lượng (điểm số) và định tính (nhận xét) là phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học. Mục đích cuối cùng là giáo viên phải nắm được quá trình học tập, tiến bộ của học sinh, nhận xét qua từng hoạt động học nhằm khích lệ hoặc hỗ trợ học sinh khắc phục khó khăn. Một lời nhận xét đúng và ý nghĩa sẽ khích lệ và tạo động lực cho học sinh phát triển năng lực, phẩm chất một cách tối ưu. Trước đây nếu giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng những con số thì học trò sẽ không biết mình đang đứng ở đâu. Nhưng nếu kết hợp định lượng điểm số và định tính nhận xét thì học sinh sẽ biết mình còn khuyết điểm, yếu điểm nào để cải thiện và phấn đấu.

Đơn cử với môn hóa học, thạc sĩ Thanh cho rằng có thể học sinh đó có tố chất làm nghiên cứu khoa học, thao tác thực hành rất chuẩn xác, tư duy rất tốt nhưng khả năng tái hiện kiến thức khi làm bài kiểm tra trên giấy thì điểm số không cao vì không học thuộc bài kỹ, vả lại mức đánh giá trên đề kiểm tra viết chỉ ở mức độ chuẩn đoán, cảm tính tại thời điểm đó, nó không bao quát cả một quá trình học tập. “Khi đó một lời nhận xét của tôi dành cho học sinh 'em có năng lực và phẩm chất làm nghiên cứu khoa học và có thể mang hóa học ứng dụng vào cuộc sống nhưng cần phải rèn tính cẩn thận, tỉ mỉ và siêng năng học bài để đạt điếm số khả quan hơn'. Nhận xét này sẽ là động lực làm học trò này bớt tự ti, tạo niềm vui, hạnh phúc, sự tự tin, hăng hái và phấn khởi hơn để có thể phấn đấu cải thiện bản thân...”, thạc sĩ Thanh chia sẻ.

 


Cho học sinh tự đánh giá

Thầy Thanh đưa ra ý kiến, nếu tập dợt tốt cho học sinh tự nhận xét và tự đánh giá bản thân một cách khách quan, thì giáo viên có thể dùng đó làm kênh thông tin cho nhận xét đánh giá cuối cùng, tránh tình trạng đánh giá qua loa, công thức, cảm tính và cho có...

Giáo viên vô cùng vất vả

Theo thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa), sau khi kết thúc học kỳ 1 (rồi học kỳ 2 và cả năm), thầy cô bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện hai yêu cầu đối với từng học sinh: Một là đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; Hai là đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10”.

Nếu một giáo viên dạy nhiều lớp từ 10 đến 11 lớp nhất là đối với giáo viên dạy môn sử, địa, GDCD… phải ghi nhận xét cho 400 đến 440 học sinh (nếu lớp có 40 học sinh) thật vô cùng vất vả, không cần thiết vì những lý do sau:

Thứ nhất giáo viên không thể theo dõi và nhớ từng ấy học sinh mình dạy để nhận xét cho chính xác được. Thứ hai khi chấm bài kiểm tra học sinh giữa kỳ và cuối kỳ thầy cô đã có ghi điểm và nhận xét rồi. Thứ ba thầy cô dễ nhầm lần giữa em này với em khác rồi dẫn đến ghi trùng lời nhận xét vì quá nhiều học sinh. Thứ tư, mỗi học sinh được mười ba lần đánh giá bằng nhận xét (13 môn học) trong mỗi học kỳ, chưa kể đánh giá nhận xét cuối năm của giáo viên chủ nhiệm. Như vậy trong một năm học, mỗi học sinh được 26 lần đánh giá bằng nhận xét có cần thiết không ? Đồng ý việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số là đánh giá được toàn diện học sinh hơn về năng lực và phẩm chất, tuy nhiên có quá nhiều đánh giá nhận xét như nói trên là sự dàn trãi không tập trung trong đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh dẫn đến sẽ có thể thiếu chính xác.

Giáo viên chủ nhiệm phối hợp giáo viên bộ môn

Từ thực tế trên, thầy Lực ý kiến nên chăng giao việc đánh giá bằng nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện có phối hợp với giáo viên bộ môn. Chỉ cần sử dụng phần mềm Vnedu giáo viên bộ môn vào điểm và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận xét từng em một cách ngắn gọn sau khi đã trao đổi cụ thể với giáo viên bộ môn. Lúc này, một giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ phải nhận xét nhiều nhất từ 40 đến 45 học sinh/lớp, và việc đánh giá học sinh sẽ đi vào thực chất, đạt hiệu quả hơn.

Theo BÍCH THANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.