'Rối quy định chứng chỉ tiếng Anh': Đại diện Bộ GD-ĐT nói gì ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ GD-ĐT đã trả lời băn khoăn liên quan đến những vấn đề đang được quan tâm, thắc mắc gần đây về chứng chỉ ngoại ngữ.

 Giáo viên nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.HCM (Ảnh mang tính minh họa) -ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giáo viên nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.HCM (Ảnh mang tính minh họa) -ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Đó là các vấn đề: Thế nào là giáo viên (GV) bản ngữ; GV nước ngoài dạy học tại Việt Nam cần những điều kiện gì; có quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam hay không?...

Chưa có quy định về quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ

Ngày 21.12, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã ký văn bản trả lời Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đề nghị hướng dẫn về các chứng chỉ làm điều kiện cấp phép lao động cho GV là người nước ngoài dạy tiếng Anh tại các trung tâm dạy ngoại ngữ. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng nhận được văn bản của Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH ILA Việt Nam, Công ty cổ phần công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax phản ánh về việc GV là người nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ có kết quả điểm thi tiếng Anh (IELTS), chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế (TESOL, TEFL, CELTA) nhưng Sở LĐ-TB-XH Hà Nội không chấp nhận để cấp phép lao động. Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) có ý kiến như sau: Trước hết, về khái niệm “GV là người bản ngữ”, Bộ GD-ĐT cho biết trong Thông tư 21 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được hiểu GV bản ngữ là người nước ngoài dạy ngoại ngữ mà ngôn ngữ đó là ngôn ngữ thứ nhất của GV đó.

 


Khuyến khích việc công nhận giá trị của các chứng chỉ quốc tế

Chia sẻ thêm với PV Thanh Niên, ông Mai Văn Trinh khẳng định trên thực tế các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế rất được coi trọng tại Việt Nam. Bằng chứng là trong những chính sách thi tuyển, tuyển dụng… thuộc thẩm quyền của mình, Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất cụ thể, khuyến khích việc công nhận giá trị của các chứng chỉ quốc tế như: nhiều năm qua đã cho phép miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ với học sinh có chứng chỉ quốc tế. Ngày càng nhiều các trường ĐH thuộc tốp đầu ở Việt Nam đưa vào quy chế tuyển sinh của trường mình quy định tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức điểm từ 6.0 trở lên…

Đối với việc công nhận và có quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cụ thể là IELTS, ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hay không, Bộ GD-ĐT trả lời: IELTS là kỳ thi nhằm đánh giá khả năng tiếng Anh. Kết quả cuối cùng của người tham gia kỳ thi này là test report (thường được gọi là chứng chỉ IELTS hoặc bài thi IELTS), ghi điểm cụ thể của 4 kỹ năng kiểm tra (nghe, nói, đọc, viết) xác định trình độ tiếng Anh của thí sinh với khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết chưa có quy định về việc quy đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức nước ngoài cấp với chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01 ngày 24.1.2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước. “Vì vậy, điểm bài thi IELTS được công nhận tham chiếu tương đương với khung CEFR thì có thể quy đổi tương đương sang khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam”, văn bản khẳng định.

Chấp nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh nào ?

Liên quan đến chứng chỉ đào tạo GV dạy ngoại ngữ, ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định trong văn bản: “Hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có quy định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh do tổ chức nước ngoài cấp”.

Văn bản của Bộ GD-ĐT nêu: trên thế giới có một số chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đã được kiểm định, công nhận và sử dụng khá phổ biến như: chứng chỉ TESOL được kiểm định bởi Tổ chức ALAP, chứng chỉ TEFL của Gatehouse Awards và chứng chỉ CELTA của Cambridge Assessment English được kiểm định bởi Văn phòng Quản lý quy chế thi và trình độ Vương quốc Anh. “Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở LĐ-TB-XH Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận các chứng chỉ này là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với GV là người nước ngoài”.

 

Theo TUỆ NGUYỄN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.