Có 5 - 7 phương thức xét tuyển vào đại học năm tới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều trường đại học đã xây dựng kế hoạch dự kiến tuyển sinh năm 2021. Điểm chung là giữ ổn định các phương thức như năm 2020, trong đó nhóm trường đa ngành sử dụng tới 5 - 7 cách thức xét tuyển.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì thế ở nhiều trường đại học (ĐH), phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 50% chỉ tiêu, còn lại dành cho các phương thức khác, trong đó đặc biệt tăng ở phương thức xét bằng điểm học bạ.

Có trường tăng chỉ tiêu điểm học bạ lên 40%
Nhóm các trường đa ngành phần lớn sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển. Chẳng hạn Trường ĐH Mở TP.HCM năm tới dự kiến áp dụng tới 7 phương thức. Trong đó, một số phương thức được duy trì từ năm 2020 như: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT có chứng chỉ ngoại ngữ, xét điểm kỳ thi tú tài quốc tế. Bên cạnh đó, năm nay trường bổ sung thêm phương thức xét dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT. Điểm mới đáng chú ý của trường năm tới là phương thức xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm khảo thí ĐH Cambridge theo điểm 3 môn trở lên (điểm mỗi môn đạt từ C trở lên) và kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600 trở lên.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh
Tại hội nghị trực tuyến về giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12.12, hầu hết các trường ĐH đều khẳng định muốn giữ ổn định phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT.
Theo báo cáo của Bộ, năm 2020, ngoài các phương thức xét tuyển riêng, phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH vẫn chọn phương thức xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT. Tại hội thảo này, hầu hết các trường đều ủng hộ duy trì phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm 2021.
Lộ trình từ năm 2021 - 2025, tuyển sinh ĐH sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng; hình thành trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa thi trên máy tính. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ ổn định như năm 2020, tương lai sẽ tiến tới thi trên máy tính.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nghiên cứu điều kiện thành lập trung tâm khảo thí độc lập, chuẩn hóa về ra đề thi để các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả.
Ở một số trường đa ngành khác, 2 phương thức chiếm tỷ trọng lớn chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, năm tới trường dự kiến có 4 phương thức xét tuyển, trong đó có 2 phương thức chủ đạo gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT 50% tổng chỉ tiêu và xét học bạ THPT tối đa 40% chỉ tiêu. Ngay phương thức học bạ trường này cũng cho phép thí sinh chọn 1 trong 2 cách: điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) hoặc tổng điểm lớp 12 các môn theo tổ hợp xét tuyển. So với năm ngoái, chỉ tiêu xét học bạ trường này tăng đáng kể, từ 10% lên 40%.
Năm tới Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho các ngành đào tạo tại TP.HCM. Trong đó, chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 50%, phương thức xét tuyển học bạ dựa vào kết quả học bạ năm lớp 12 (điểm 3 môn theo tổ hợp) chiếm tới 30%.
Trong số 4 phương thức xét tuyển năm 2021, Trường Việt Đức tiếp tục duy trì phương thức xét dựa vào kết quả học bạ THPT (kết quả 5 học kỳ đầu, trừ học kỳ 2 lớp 12). Trường bắt đầu áp dụng phương thức này trong năm 2020.
Trường y có xét tuyển bằng điểm học bạ ?
Trên cơ sở văn bản chính thức khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020, nhóm trường tuyển sinh khối ngành sức khỏe cũng phác thảo kế hoạch tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi này.

Xét tuyển 65% chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường đã công bố đề án tuyển sinh ĐH chính quy dự kiến năm 2021.

Cụ thể, trường xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, gồm: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (65% chỉ tiêu), kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM (5% chỉ tiêu), 30% chỉ tiêu còn lại dành cho 2 phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Tương tự, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết trường đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến, trong đó dự kiến tuyển sinh 5 ngành học mới gồm bất động sản, tài chính quốc tế, báo chí, tâm lý học, thiết kế đồ họa.

Trường thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo; trong đó phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 chiếm 65% tổng chỉ tiêu, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM là 5%, còn lại 30% chỉ tiêu cho phương thức xét bằng điểm học bạ.

Đăng Nguyên

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết dự kiến sẽ có thêm ngành mới được tuyển sinh trong năm tới nhưng phương thức tuyển sinh của trường không thay đổi so với năm 2020. Theo đó, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, trường này dành toàn bộ chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Chỉ tiêu tuyển sinh được phân bổ cho thí sinh hộ khẩu TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa thường trực Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết năm 2020 đơn vị này đã sử dụng tới 6 phương thức xét tuyển khác nhau, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi quốc tế và điểm trung bình tích lũy thí sinh tốt nghiệp ĐH các ngành gần. “Trong năm tới khoa dự kiến tiếp tục sử dụng các phương thức này và có thể tuyển sinh thêm ngành y học cổ truyền”, ông Dũng thông tin.
Như vậy, đến thời điểm này các trường công lập đào tạo khối ngành sức khỏe chưa có kế hoạch xét tuyển bằng phương thức điểm học bạ THPT.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020  ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhóm ngành kinh tế ổn định phương thức
Một số trường đào tạo các ngành kinh tế - quản trị, tài chính - ngân hàng cho biết sẽ giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết phương thức xét tuyển của trường dự kiến ổn định như năm 2020. Theo đó, có 5 phương thức được sử dụng đồng thời gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét kết quả học tập THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với học sinh VN và học sinh có quốc tịch nước ngoài vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, dự kiến các phương án xét tuyển của trường sẽ không thay đổi nhiều so với trước. Các thay đổi nếu có chỉ là điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển… Năm 2020, các ngành thuộc chương trình đại trà của trường không áp dụng xét tuyển học bạ và ưu tiên xét tuyển như chương trình đặc biệt, chỉ xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trước đó, một số trường ĐH khác cũng cho biết sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển của năm trước đó cho năm 2021, như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM…
Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.