Bão số 4 đổ bộ đất liền, tâm bão ở giữa Quảng Nam-Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- lúc 4 giờ sáng 28-9, cơn bão số 4 đã đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sức gió giảm còn 117 km/h (cấp 11), giật tung các mái tôn, vặn đổ nhiều cây xanh.
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú
Do ảnh hưởng bão số 4 đổ bộ lúc rạng sáng 28-9, ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão lúc 4h sáng 28/9. Nguồn: NCHMF
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão lúc 4 giờ sáng 28-9. Nguồn: NCHMF
Tâm bão ở giữa Quảng Nam-Đà Nẵng
Trả lời báo chí rạng sáng 28-9, ông Nguyễn Văn Hưởng-Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia) cho biết toàn bộ tâm bão đã đi vào khu vực đất liền giữa Đà Nẵng-Quảng Nam. Trong hôm nay, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ có mưa với lượng phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm, khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Khả năng xảy ra lũ quét rất cao
Do ảnh hưởng bởi bão số 4 (bão Noru), ngày 28-9, ở các khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định và Kon Tum đã có mưa to đến rất to và có nơi có dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27-9 đến 1 giờ ngày 28-9 có nơi trên 150 mm như: Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 203 mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 153 mm…
Từ ngày 28-9 đến đêm 29-9, ở khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm ở Bắc Trung Bộ và phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm ở đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình.
Ngày và đêm 28-9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 7 0mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn duy trì trong nhiều ngày tới. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1; riêng khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum cấp 2.
Sau hôm nay, mưa sẽ giảm dần ở khu vực trên, tuy nhiên do hoàn lưu của bão kết hợp với một rãnh thấp hình thành trong bão nên diện mưa sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, thời gian mưa sẽ kéo dài đến ngày 30/9. Lượng mưa phổ biến ở Bắc Trung Bộ là 100-250 mm, có nơi trên 300 mm, vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hoà Bình mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm.
"Với mưa lớn như vậy thì khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ quét rất cao. Kinh nghiệm từ những cơn bão gần đây cho thấy khi bão đổ bộ thì chúng ta phòng chống tương đối tốt nhưng khi bão qua lại có thiệt hại lớn do sạt lở đất, lũ quét nên người dân cần lưu ý"-ông Hưởng nói.
Gần 555.000 hộ dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam mất điện 
Trả lời báo Vnexpress, ông Lê Hoàng Anh Dũng-Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung, cho biết gió bão đã gây mất điện cho một số tỉnh thành miền Trung. Trong đó, Quảng Ngãi ghi nhận 210.000 hộ dân bị mất điện, còn Quảng Nam là hơn 345.000 hộ. Nguyên nhân liên quan sự cố đường dây trung thế 22 kV ở khu vực. Hiện, Tổng công ty huy động nhân lực để khắc phục.
Ngoài ra, còn nhiều quận, huyện, thành phố ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng mất điện, nhưng chưa được tổng hợp. Tổng công ty Điện lực miền Trung sản xuất và kinh doanh điện cho 13 tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên.
Nhiều cây xanh ở TP Pleiku bị gió quật gãy đổ
Cây xanh bị ngã đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú
Bão Noru hoành hành ở đất liền khiến các tỉnh Tây Nguyên gió rít liên hồi, kèm theo mưa. Từ giữa đêm tới sáng, trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), gió rít từng cơn.
Gió lớn đã quật ngã nhiều cây trên đường Tăng Bạt Hổ ở TP. Pleiku, hất tung dù, bạt, cây cảnh của người dân ven đường Lý Thái Tổ, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Phú... Qua điện thoại, ông Nguyễn Duy Linh (trú tại đường Lý Tự Trọng) cho hay: "Mưa không lớn, tuy nhiên gió rít từng cơn, kêu vù vù qua cửa sổ tầng 2. Vợ chồng chúng tôi ở trong nhà đóng chặt cửa không giám ra ngoài".
Cây xanh bị gãy đổ tại hẻm đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Thi
Cây xanh bị gãy đổ tại hẻm đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Thi
Các huyện phía Đông, Đông Nam Gia Lai mưa nhỏ, gió nhẹ.
Có mặt tại huyện Kông Chro và thị xã An Khê, Phóng viên Lê Nam và Ngọc MInh điện thoại lúc 5 giờ ngày 28-9 cho biết: tình hình trong khu vực đang mưa nhỏ, gió nhẹ, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của bão số 4.
Tương tự, tại thị xã Ayun Pa, Phóng viên Lê Nam cũng điện thoại về thông báo tại địa phương từ đêm 27 đến rạng sáng 28-9 có mưa và gió nhỏ. 
Còn tại huyện Krông Pa, ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện cho hay, trên địa bàn không có mưa, gió nhẹ bình thường, bão số 4 chưa gây tác động gì đến địa phương.
TRẦN ĐỨC-LÊ NAM-NGUYỄN DIỆP-NGỌC MINH-NGUYỄN TÚ
 

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Hôm nay (2/3) là ngày cuối trong đợt rét đậm nhiều ngày qua ở các tỉnh miền Bắc. Dự báo từ mai (3/3) nền nhiệt tăng lên. Từ 4-5/3, miền Bắc tăng nhiệt mạnh, riêng khu vực Tây Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ.
Nam bộ nắng nóng bất thường

Nam bộ nắng nóng bất thường

Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Nam bộ trải qua đợt nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến hoạt động đón năm mới của nhiều người dân. Nhiều khả năng những kỷ lục mới về nhiệt độ sẽ tiếp tục xuất hiện trong các đợt cao điểm nắng nóng sắp tới.