Bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập trên Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 9.10, vùng biển Thái Bình Dương đã xuất hiện thêm một cơn bão, có tên quốc tế là KOMPASU. Dự báo đêm 11, sáng 12.10, cơn bão này có khả năng đi vào phía bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8.

Chiều 9.10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia ứng phó thiên tai, đã họp trực tuyến với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh để triển khai công tác ứng phó với bão số 7.
 

Người dân gia cố tàu thuyền, lồng bè nuôi cá trước khi lên bờ tránh, trú bão. Ảnh: LÊ TÂN
Người dân gia cố tàu thuyền, lồng bè nuôi cá trước khi lên bờ tránh, trú bão. Ảnh: LÊ TÂN


Khả năng xuất hiện chuỗi thiên tai

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 9.10, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, kết hợp với bão số 7, các tỉnh phía đông Bắc bộ có mưa to đến rất to đến hết ngày 12.10, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm. Khu vực tây Bắc bộ có mưa to đến hết ngày 11.10 với tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to từ ngày 10 - 12.10 với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 250 mm, có nơi trên 250 mm.


Tại Hà Tĩnh, đến chiều 9.10, đã có gần 4.000 tàu thuyền và 14.000 ngư dân trong và ngoài tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Những tàu thuyền đang nằm bờ đều được yêu cầu không ra biển đánh bắt.

Tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 9.10. UBND tỉnh có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, ven biển, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Khi buộc phải sơ tán dân thì phải đảm bảo được công tác vừa phòng chống bão số 7, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hải Phòng đã có thông báo đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông từ 11 giờ ngày 9.10. Hải Phòng đã kêu gọi hơn 2.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn, Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã vận động, sơ tán hơn 1.500 lao động trên các lồng bè, chòi canh vào nơi tránh, trú.

Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cũng đã có công điện khẩn để cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 9 giờ sáng 9.10.

Phạm Đức - Minh Hải - Lê Tân


Ngày 9.10, vùng biển Thái Bình Dương đã xuất hiện thêm một cơn bão, có tên quốc tế là KOMPASU. Dự báo đêm 11, sáng 12.10, cơn bão này có khả năng đi vào phía bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Dự báo, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc bộ và phía bắc của Trung bộ từ 13 - 14.10, có thể gây một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong các ngày 13 - 15.10. Ngoài ra, Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới nên khu vực Bắc bộ, bắc Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài trong những ngày tới.

Các tỉnh vùng núi cần đề phòng khả năng xuất hiện chuỗi thiên tai nguy hiểm trong những ngày tới, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp ven, khu đô thị.
Chủ động ứng phó

Chiều 9.10, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết các đơn vị quân đội và chính quyền các địa phương đã sẵn sàng lực lượng với 382.253 người, 2.969 phương tiện các loại để ứng phó với bão số 7, mưa lớn, thiên tai sau bão. Trong đó, có 15 máy bay, 274 xe đặc chủng, 99 tàu các loại, 1.004 xuồng máy, ca nô và 1.577 ô tô.

Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong 10 ngày tới, các tỉnh Bắc bộ, bắc Trung bộ có thể có mưa rất lớn, các địa phương cần rà soát các vị trí xung yếu có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ông Lê Minh Hoan cũng yêu cầu chủ động rà soát toàn bộ công trình hồ, đập ở Bắc bộ và bắc Trung bộ, đảm bảo công tác vận hành công trình an toàn trong mưa bão số 7 cũng như các đợt mưa lớn trong những ngày tới, kiên quyết không để xảy ra các sự cố công trình hoặc phải xả lũ gây nguy hiểm cho vùng hạ du.

Theo Phan Hậu (TNO)

Có thể bạn quan tâm