Bắc Bộ chuyển sang rét khô, tình trạng rét đậm, rét hại còn kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Điều kiện thời tiết này thuận lợi cho người dân khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đúng dịp lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 12/1, Bắc Bộ chuyển sang rét khô nên không mưa, trưa chiều trời nắng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 16-18 độ C và sẽ còn được gia tăng trong những ngày tiếp theo đến 15/1.

Điều kiện thời tiết này thuận lợi cho người dân khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đúng dịp lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, ngày 12/1, nhiệt độ thấp nhất về đêm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn 8-11 độ C, vùng núi 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Ở phía Tây Bắc Bộ, từ ngày 13-16/1, trời không mưa, ngày nắng, sáng sớm có nơi có sương mù. Trời rét đậm trong ngày 13-14/1, sau trời rét, có nơi rét đậm. Từ đêm 16-17/1, trời rét đậm, rét hại kèm mưa, mưa rào rải rác.

Phía Đông Bắc Bộ từ ngày 13-16/1, đêm không mưa, ngày nắng, sáng sớm có nơi có sương mù. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại, riêng ngày 13-14/1, trời rét đậm.

Từ đêm 16-17/1, trời có mưa, mưa rào rải rác kèm rét đậm, rét hại.

Khoảng ngày 17-18/1 sẽ có thêm một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ảnh hưởng đến Việt Nam.

Sau ngày 20/1, vẫn có các đợt không khí lạnh tác động nhưng chủ yếu gây ra các đợt rét đậm, rét hại ngắn từ 2-3 ngày.

Tình trạng rét đậm, rét hại còn kéo dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần biết cách giữ ấm và phòng chống rét cho bản thân và gia đình nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa.

Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, xương khớp, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

Người cao tuổi tránh nhiệt độ thay đổi đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh vì nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

Các bậc cha mẹ, ông bà nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải và luôn luôn kiểm tra trẻ nhỏ.

Người dân vùng núi cần thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng để giảm thiểu thiệt hại như sử dụng bạt và các vật liệu khác để che chắn chuồng trại, tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, nguồn cỏ sẵn có để chế biến, dự trữ thức ăn tinh; kiểm tra, gia cố chuồng trại, đặc biệt là phía đón gió; di chuyển, tập trung đàn gia súc vào nơi kiên cố có che chắn...

Người dân cũng nên tích cực kiểm tra sức khỏe gia súc, bổ sung muối, thức ăn tinh trong khẩu phần, đặc biệt lưu ý bệnh hô hấp, cước.

Các trường học, nhất là tại các trường nội trú ở vùng núi cao hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời, dặn dò học sinh mặc đủ ấm, phụ huynh không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, chủ động thay đổi giờ học theo tình hình thời tiết cụ thể tại từng địa bàn cụ thể.

Theo Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Hôm nay (2/3) là ngày cuối trong đợt rét đậm nhiều ngày qua ở các tỉnh miền Bắc. Dự báo từ mai (3/3) nền nhiệt tăng lên. Từ 4-5/3, miền Bắc tăng nhiệt mạnh, riêng khu vực Tây Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ.
Nam bộ nắng nóng bất thường

Nam bộ nắng nóng bất thường

Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Nam bộ trải qua đợt nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến hoạt động đón năm mới của nhiều người dân. Nhiều khả năng những kỷ lục mới về nhiệt độ sẽ tiếp tục xuất hiện trong các đợt cao điểm nắng nóng sắp tới.