Longform

Lan tỏa phong trào "Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn"

E-magazine Lan tỏa phong trào "Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Sau hơn 1 năm, cảnh quan của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) có sự thay đổi ngỡ ngàng. Ấn tượng nhất là hoa viên trước sân trường với nhiều công trình có ý nghĩa như: nhà rông cao hơn 7 m, cây nêu, đàn t’rưng, giàn treo cồng chiêng và một tảng đá to khoảng 3 người ôm có gắn ảnh vị anh hùng mà trường mang tên. Tất cả hòa vào khoảng không rợp bóng cây xanh cùng hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc đẹp tựa một bức tranh.

 

Nói về công trình độc đáo này, cô Nguyễn Thị Thơ-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Dịp hè năm học 2018-2019, thấy trong khuôn viên còn nhiều khoảnh đất bỏ trống để cỏ dại mọc, nhà trường đề ra chủ trương tôn tạo cảnh quan bằng cách làm một hoa viên, tạo điểm nhấn riêng. Từ ý tưởng làm một công trình không chỉ đẹp mà còn phải ý nghĩa, gắn với Anh hùng Núp, chúng tôi thống nhất làm một nhà rông đặt giữa hoa viên. Trong quá trình thi công, từ ý kiến đóng góp, giáo viên đã làm thêm nhiều hạng mục khác mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Jrai. Sau 10 tháng thi công với hàng trăm lượt ngày công lao động của giáo viên, phụ huynh, hoa viên được đưa vào sử dụng. Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tại đây. Một vài trường học đã đưa học sinh đến đây tham quan. Nhiều đoàn công tác của tỉnh cũng đánh giá rất cao mô hình này. Mặc dù nằm ở xã khó khăn song nhà trường đã làm được một công trình có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn nét văn hóa truyền thống và kịp thời đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới”.

 

Cảnh quan trong khuôn viên Trường Tiểu học Trần Phú (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) cũng gây ấn tượng với không chỉ giáo viên và học sinh nơi đây. Đầu năm học 2020-2021, hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”, sau giờ lên lớp, tập thể giáo viên cùng với phụ huynh ra sức cải tạo khuôn viên nhà trường. 9 phòng học đều được trang trí bằng những bức tranh vui nhộn. Mỗi lớp đều có góc học tập với nhiều cây xanh. Những bãi đất trống trong trường giờ đây đều đã được trồng hoa. Các thầy-cô giáo cũng đi xin lốp xe máy, ô tô về làm đồ dùng học tập, trang trí, tạo thêm cảnh quan sinh động, đẹp mắt quanh sân trường. 

 

“Sau một thời gian ngắn, với tâm huyết của Hội đồng sư phạm nhà trường cùng sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, cảnh quan của trường thay đổi hoàn toàn. Các em học sinh cũng hứng khởi đến trường, giờ học tươi mới, bài giảng của giáo viên cũng hấp dẫn hơn. Các bậc phụ huynh cũng thấy vui vẻ, an tâm hơn khi con được học trong ngôi trường xanh-sạch-đẹp. Một số trường học trong vùng đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Do vậy, tập thể giáo viên nhà trường cũng thấy hãnh diện”-cô Trường Thị Sa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú-thông tin.

 

Cũng là điểm sáng trong phong trào “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”, được Sở GD-ĐT tặng giấy khen, Trường Mầm non 3-2 (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) không chỉ bố trí khoảng đất trồng nhiều loại hoa làm đẹp khuôn viên mà còn trồng rau xanh, cây ăn quả phục vụ bếp ăn học sinh. Trong các phòng học, đồ dùng học tập đa dạng về chủng loại, được bày biện khoa học, gọn gàng.

 

Cô Trần Thị Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Chúng tôi rất chú trọng xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn. Hàng năm, Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể giáo viên và đưa nội dung trường lớp sạch đẹp vào tiêu chí thi đua năm học để cùng phấn đấu thực hiện. Mặt khác, nhà trường cũng tổ chức các tiết học dạy về môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh. Do đó, những năm qua, trường luôn nằm trong tốp đầu của huyện về xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn. Riêng năm học 2020-2021, nhà trường được Sở GD-ĐT tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào này”.

 

Thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng-chống bạo lực học đường, ngày 25-8-2017, Sở GD-ĐT đã có Quyết định số 239/QĐ-SGDĐT ban hành quy định tiêu chí xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn của ngành. Từ đó đến nay, Sở GD-ĐT luôn phát động phong trào thi đua chuyên đề “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn” qua từng năm học. Trong giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 74 đơn vị trường học, 74 cá nhân được Sở GD-ĐT tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào này. Hiện phong trào đang lan tỏa tích cực ở các trường học trên địa bàn tỉnh. 

 

Cô Quách Thanh Chuyên-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Phú Thiện) cho biết: “Do cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp nên việc triển khai phong trào “Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn” gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, nhà trường đã có cơ sở mới. Vì vậy, chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ phong trào này. Hơn 3 tháng qua, giáo viên và phụ huynh đã tiến hành dọn dẹp sân trường, trồng xong cây xanh phân tán, làm các giàn và bồn trồng hoa sử quân tử, hoa giấy. Hiện giáo viên cũng đang vẽ tranh trên các bức tường, làm thêm đồ dùng học tập. Tới đây, sau khai giảng năm học mới, chúng tôi sẽ trồng nhiều luống rau xanh ở những khoảng đất trống để phục vụ bữa ăn của học sinh, giáo viên. Nhà trường cũng đang kêu gọi Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí để làm thư viện xanh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục”.

 

Tương tự, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Anh Hùng Núp thông tin thêm: “Nhà trường cũng có nhiều dự định cải tạo cảnh quan ngày càng đẹp hơn như trồng thêm hoa, rau xanh ở khu vực đất trống phía sau trường. Do hệ thống hàng rào quanh trường chỉ bằng thép gai gắn lên trụ bê tông, chưa đảm bảo ngăn ngừa vật nuôi từ bên ngoài vào gây hại nên nhà trường đang đề xuất cấp trên cấp kinh phí và vận động nguồn xã hội hóa để xây tường bao kiên cố. Còn trước mắt, trường tiếp tục mua thêm cây xanh, giống hoa về trồng trong khuôn viên”.

 

Tại huyện Ia Grai, phong trào “Xây dựng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn” đang được các đơn vị trường học hưởng ứng tích cực. Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai-cho hay: “6 năm qua, các trường học trong huyện triển khai nhiều hoạt động tạo cảnh quan sư phạm đẹp hơn, thân thiện hơn. Nhiều trường đã được Sở GD-ĐT khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào này. Điển hình như năm học 2020-2021, 3 trường: Mầm non 3-2, Mầm non 17-3, Tiểu học Nguyễn Trãi được Sở GD-ĐT tặng giấy khen. Đây cũng là những trường trong tốp đầu dạy và học tốt ở huyện, phụ huynh rất tin tưởng khi gửi con theo học. Phòng cũng đã chỉ đạo những trường chưa đạt tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn cho học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, phong trào thi đua của ngành. Chúng tôi phấn đấu trong những năm học tới, mỗi năm có 1-3 trường được Sở GD-ĐT khen thưởng trong phong trào “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Thời gian qua, phong trào “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn” đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở địa phương. Qua đây, ngành cũng đã phát hiện thêm nhiều nhân tố mới, điển hình mới để nhân rộng. Một số phòng GD-ĐT như Phú Thiện, Chư Sê, Krông Pa, Ia Grai đã thực hiện tốt phong trào này. Ở khối THPT trực thuộc Sở, các trường thực hiện tốt phong trào gồm: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai. 

 

 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Dòng "kênh" Ông Kiệt

Các tuyến kênh T4, T5, T6 từ khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tuyến đường dọc theo các tuyến kênh đã được nhựa hóa, người dân từ các nơi về an cư bên những bờ kênh, doanh nghiệp đến đầu tư những dự án lớn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

E-magazineThủ tướng Võ Văn Kiệt - "Kiến trúc sư" đổi mới: Đặt nền móng xây dựng đường Hồ Chí Minh

Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, ông Hà Đình Cẩn - nguyên Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam, tổng giám đốc đầu tiên của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - cho hay không biết ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc xây dựng một trục đường dọc thứ hai của đất nước xuất hiện từ bao giờ.
Vững tay chèo trên dòng sông tri thức

E-magazineVững tay chèo trên dòng sông tri thức

(GLO)- Theo sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh, những thầy giáo, cô giáo tuổi đôi mươi giờ đây tóc đã bắt đầu điểm bạc. Thế nhưng, tình yêu và sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề trong họ lúc nào cũng vẹn nguyên. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng những
Gia Lai tưng bừng mùa lễ hội

E-magazineGia Lai tưng bừng mùa lễ hội

(GLO)- Sau 2 năm liên tiếp phải tạm hoãn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các lễ hội đặc trưng được tổ chức nối tiếp nhau trong tháng 11 sẽ tạo nên chất xúc tác để mùa du lịch cuối năm ở Gia Lai càng trở nên sôi động, hứa hẹn một
Cơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

E-magazineCơ hội nâng tầm thể thao thành tích cao

(GLO)- Sau 2 kỳ đại hội liên tiếp gần như trắng tay, Gia Lai đang chuẩn bị bước vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 với một vị thế rất khác. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng các vận động viên (VĐV) đang rất nỗ lực tập luyện với khát vọng nâng tầm thể thao tỉnh nhà.
Bước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

E-magazineBước ngoặt sự phát triển phong trào thể dục thể thao ở Gia Lai

(GLO)- Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Gia Lai lần thứ IX-2022 đã tạo được dấu ấn đậm nét, khẳng định sự phát triển không ngừng của phong trào thể thao trên địa bàn thời gian qua. Thành công của kỳ đại hội lần này mở ra nhiều hy vọng cho thể thao Gia Lai tại các sân chơi khu vực và quốc gia, gần nhất là Đại hội Thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm nay.
"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

E-magazine"Chia lửa" với giáo dục vùng khó-Kỳ 1: Nhọc nhằn đường đến lớp

(GLO)- L.T.S: Gia Lai là một trong những vùng khó về giáo dục với nhiều thách thức như: diện tích trải rộng, lớn thứ nhì cả nước; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao (khoảng 44,5%); còn nhiều hộ khó khăn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tuy nhiên, ngoài lòng tận tâm của đội ngũ nhà giáo cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục, chuyện học ở Gia Lai dần khởi sắc nhờ sự vào cuộc của cả cộng đồng với những cá nhân, tổ chức hảo tâm, dốc sức dốc lòng hỗ trợ lâu dài cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học tập cho đến khi trưởng thành.