Emagazine

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Vấn đề cấp thiết

E-magazine Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Vấn đề cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Gần 1 tuần trôi qua, nỗi đau thương, mất mát vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ tại tổ 5 (thị trấn Chư Sê) khi cô bé xinh xắn Mai Thị Anh Thư (SN 2012) mãi mãi ra đi sau vụ tai nạn đuối nước. Trước đó, chiều 22-5, Thư cùng một số em nhỏ trong xóm đi chơi và bị trượt chân ngã xuống hố nước. Do vị trí cách xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện sự việc thì em đã tử vong. Cô Nguyễn Thị Thủy-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Chư Sê) nghẹn ngào bày tỏ: “Thư học lớp 4, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ bỏ đi từ khi em còn nhỏ, bố bị bệnh tâm thần nên Thư ở với bà nội cùng 2 người em họ. Nghe tin dữ, cả trường rất đau lòng. Chúng tôi đã vận động quyên góp trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, tập thể học sinh và phụ huynh để hỗ trợ một phần giúp gia đình lo việc mai táng cho em”.

 

Hơn 2 tháng trước, vào trưa 10-3, gia đình em Rơ Châm Nhiết (SN 2010, làng Jek, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cũng lo lắng chạy khắp nơi kiếm tìm con khi không thấy em về nhà sau giờ tan học. Đến 13 giờ cùng ngày, thi thể em đã được tìm thấy tại lòng hồ C3 của Công ty Cà phê Ia Sao II trong niềm tiếc thương của dân làng và nỗi đau xé lòng của người mẹ trẻ. Những trang vở với đầy ắp ước mơ của cô bé lớp 6 cũng đành gấp lại khiến thầy cô, bạn bè không khỏi thắt lòng.

Thư và Nhiết là 2 trong 16 trẻ em tử vong trong 13 vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Trong đó, tại huyện Chư Păh xảy ra 3 vụ khiến 3 em tử vong; Ia Pa có 1 vụ làm 2 em tử vong; Phú Thiện 2 vụ khiến 3 trẻ tử vong; Chư Sê, Đak Đoa, Chư Prông, Kông Chro, Đức Cơ và Ia Grai mỗi huyện xảy ra 1 vụ làm 1 em tử vong; thị xã An Khê có 1 vụ khiến 2 em tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 mặc dù có giảm 12 vụ và 10 trẻ tử vong do đuối nước, song đây vẫn là con số đáng lưu tâm, cần tiếp tục có sự chung tay của toàn xã hội với những giải pháp đồng bộ để kịp thời kéo giảm. Bởi lẽ, riêng năm 2021, toàn tỉnh có tới 59 trẻ tử vong trong 50 vụ tai nạn đuối nước.

 

Theo ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đuối nước là do nhận thức của gia đình và cộng đồng về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế. Một bộ phận cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát con em mình. Mặt khác, đa số trẻ không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, số lượng bể bơi lại chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ; kỹ năng bơi lội không được đưa vào môn học chính thức trong nhà trường. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết sử dụng áo phao chỉ chiếm 6%.

 
 

Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước cho trẻ, các cấp chính quyền và ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác này. Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: Thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng-chống đuối nước và tai nạn, thương tích trẻ em” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022, hàng năm, Tỉnh Đoàn đều tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho thiếu nhi; vận động nguồn lực trao tặng ít nhất 8 tủ sách hướng dẫn kỹ năng an toàn cho thiếu nhi và 1 bể bơi di động.

Đoàn Thanh niên cấp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho thiếu nhi tham gia các lớp, các chương trình tập huấn về kỹ năng phòng tránh đuối nước và dạy bơi an toàn miễn phí cho 500 em; 100% Đoàn cấp huyện triển khai các hoạt động cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước cho trẻ. 100% liên đội thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả câu lạc bộ tuyên truyền măng non về phòng tránh đuối nước; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước và tham gia các giải bơi lội cho học sinh, thiếu nhi…

 

Huyện Ia Grai từng là “điểm nóng” về tai nạn đuối nước ở trẻ. Những năm qua, Huyện Đoàn Ia Grai đã nỗ lực cùng với hệ thống chính trị địa phương chung tay ngăn chặn tình trạng này. “Năm 2021, toàn huyện xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước làm 7 trẻ tử vong, chủ yếu là học sinh tiểu học. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và tổ chức Đoàn cấp trên, Huyện Đoàn đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền tại các trường học; cắm biển cảnh báo tại những nơi có nguy cơ để phòng tránh tai nạn đuối nước; tập huấn kỹ năng bơi lội, cứu người bị đuối nước; cho phụ huynh ký cam kết về quản lý trẻ trong những ngày nghỉ và dịp hè... Nhờ đó đã tạo được chuyển biến tích cực khi từ đầu năm đến nay, huyện chỉ xảy ra 1 vụ đuối nước khiến 1 trẻ tử vong”-Phó Bí thư Huyện Đoàn Hồ Thị Bé thông tin. 

 

Nhiều trường học trong tỉnh cũng đã chú trọng nâng cao kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh. Ngày 28-4 vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) đã lồng ghép tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh và tổ chức Giải bơi lội truyền thống lần thứ nhất. “Thuận lợi của trường là có 1 bể bơi do Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai tài trợ và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2020. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, rèn luyện kỹ năng cũng chủ động hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trong chương trình giáo dục phổ thông không có môn bơi, kể cả ngoại khóa nên nhà trường không thể bố trí tiết dạy bơi cho giáo viên. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi nghĩ nên đưa môn bơi lội vào trường học và mở các lớp tập huấn cho giáo viên thể dục về kiến thức, kỹ năng dạy bộ môn này”-Hiệu trưởng Dương Thị Thoa đề xuất.

Tương tự, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng vừa phối hợp cùng các đoàn thể phường tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước và tai nạn, thương tích, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Em Chu Hải Trà (lớp 5/2) hào hứng nói: “Em đã tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống khi chẳng may bị đuối nước, cấp cứu khi gặp người bị ngạt nước. Điều này giúp em tự tin hơn, có thể chủ động bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác”.

 
 

Trước thực trạng đáng lo ngại về tai nạn đuối nước ở trẻ em, ngày 2-5-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 398/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng tránh đuối nước để bảo đảm an toàn cho trẻ. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Thời điểm nghỉ hè cộng với thời tiết nắng nóng sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn, thương tích ở trẻ em, đặc biệt là đuối nước. Do đó, Sở tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể ở cơ sở trong việc vận động người dân, cộng đồng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em; cải tạo, sửa chữa các điểm mất an toàn gây tai nạn, thương tích cho trẻ em; đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn”; đồng thời, phối hợp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để gây ra các vụ tai nạn, thương tích nghiêm trọng ở trẻ em.

 

Còn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Khoa Nghi thì cho hay: Ngành đã mở đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của học sinh về phòng tránh đuối nước trước thời điểm nghỉ hè, nhất là nhận biết các điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, thi bơi… Cùng với đó, ngành tham mưu các cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện dạy-học bơi trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè, đảm bảo an toàn phòng tránh đuối nước.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực và chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội, tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh sẽ được kéo giảm tối đa, để những nỗi đau mất mát thôi tiếp diễn.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.

Chàng trai Bahnar dẫn nước về làng

E-magazineChàng trai Bahnar dẫn nước về làng

(GLO)-Xuân này tròn 3 năm kể từ lúc dân làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) đón nguồn nước ngọt lành từ đỉnh núi Bok Ưng về tưới mát cả một vùng khô cằn. Câu chuyện về chàng trai Đinh Hmach dẫn nguồn nước về làng được đồng bào Bahnar nơi đây truyền tai nhau như một kỳ tích.