Emagazine

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

E-magazine Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Gia Lai có tiềm năng, lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất thực tế chưa tương xứng do phương thức canh tác còn dựa vào sức người. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch… nhằm từng bước giải phóng sức lao động con người, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 273.770 máy móc, thiết bị và động cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, máy dùng trong sản xuất nông nghiệp là 265.255 chiếc, lâm nghiệp 8.123 chiếc, thủy sản 392 chiếc, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2016. 

 

Từ khi đưa máy móc vào sản xuất, ông Trần Nhật Lâm (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) nhận thấy hiệu quả nâng lên rõ rệt. “Tôi gieo trồng 6 sào lúa nước và gần 5 sào hoa màu. Những năm gần đây, nhờ áp dụng cơ giới trong các khâu từ làm đất đến thu hoạch nên chi phí sản xuất, sức lao động giảm đáng kể, trong khi năng suất, lợi nhuận tăng lên. Vụ Đông Xuân vừa rồi, mỗi sào lúa tôi thuê máy gặt chỉ tốn có 300 ngàn đồng, giảm gần 1 triệu đồng/sào so với thuê công gặt trước đây, chưa kể còn tiết kiệm thời gian nữa”-ông Lâm phấn khởi cho hay. 

Không chỉ cơ giới hóa sản xuất cho gia đình, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn đầu tư máy móc làm dịch vụ đem lại nguồn thu nhập ổn định. 

 

Tương tự, ông Hoàng Duy Hoàn (thôn Yên Phú, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) cũng khẳng định: “Hầu hết người dân trên địa bàn đều sử dụng máy móc để gieo trồng mía, mì, vừa đảm bảo mật độ, vừa giảm chi phí sản xuất. Việc sử dụng máy cày giúp đất tơi xốp hơn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua máy móc, thiết bị vừa phục vụ sản xuất 7 ha mía của gia đình, vừa làm dịch vụ”.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, khép kín và bền vững tại vùng nguyên liệu. Cụ thể như: chuỗi liên kết sản xuất mía đường khép kín của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai; sản xuất gỗ rừng trồng của Công ty MDF; sản xuất, chế biến rau, quả xuất khẩu của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai… và sự liên kết sản xuất của nông dân với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

 

Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chính sách cơ giới hóa đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh. Song nhìn chung, các khâu trong cơ giới hóa chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu về sản xuất, chế biến nông-lâm sản; tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu còn thấp như gieo cấy, chăm sóc, chế biến tinh. Thiết bị cơ giới chủ yếu do hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư hoặc Nhà nước hỗ trợ thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ lãi suất. 

 

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Hiện nay, Hợp tác xã đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước ở nhiều khâu từ làm đất, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm thiết bị máy bay không người lái để tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hợp tác xã là thiếu vốn đầu tư, nhất là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”. 

 

Theo ông Nguyễn Văn Tâm-chủ Siêu thị máy cày Chí Tâm (số 719 Lê Duẩn, xã Chư Á, TP. Pleiku) thì: Những năm 90 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh có rất ít máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú, góp phần giải phóng sức lao động con người. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở bán được 2-3 thiết bị. “Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện đã tăng cao hơn trước đây rất nhiều, song nguồn cung cấp vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật, hoàn thiện, đa dạng các sản phẩm máy móc phục vụ các khâu trong sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho người dân”-ông Tâm nói.

 

Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm qua, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về chủng loại, góp phần giải quyết các khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc áp dụng cơ giới hóa xuất hiện ở hầu hết các khâu và không ngừng tăng qua các năm. Bên cạnh các doanh nghiệp quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì nhiều hộ dân cũng đã đầu tư cơ giới hóa sản xuất của gia đình. Dù vậy, quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu vẫn còn thấp như gieo trồng, sơ chế; hầu hết máy làm đất có công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ quy mô hộ gia đình. 

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Đồng thời, phổ biến cơ chế chính sách hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông-lâm nghiệp. Đặc biệt, tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh… để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.

Chàng trai Bahnar dẫn nước về làng

E-magazineChàng trai Bahnar dẫn nước về làng

(GLO)-Xuân này tròn 3 năm kể từ lúc dân làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) đón nguồn nước ngọt lành từ đỉnh núi Bok Ưng về tưới mát cả một vùng khô cằn. Câu chuyện về chàng trai Đinh Hmach dẫn nguồn nước về làng được đồng bào Bahnar nơi đây truyền tai nhau như một kỳ tích.
Khởi nghiệp từ “tài nguyên” bản địa

E-magazineKhởi nghiệp từ “tài nguyên” bản địa

(GLO)- Bằng tình yêu văn hóa truyền thống, chị Rơ Mah H’Dịu-Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và chị Trịnh Thị Phượng-giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai đã có những dự án khởi nghiệp từ chính sản phẩm đặc trưng của quê hương.