Gia Lai: Sáng 14-9, thêm 3 ca tái dương tính với SARS-CoV-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 14-9, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai thông tin: Tính từ 7 giờ ngày 13-9 đến 7 giờ ngày 14-9, tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.000 người, trong đó ghi nhận 3 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2.

Các trường hợp tái dương tính này sau khi điều trị khỏi, xuất viện và thực hiện giám sát y tế tại nhà (huyện Ia Pa 1 trường hợp, huyện Chư Sê 2 trường hợp), qua lấy mẫu xét nghiệm lại theo quy định phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
 

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện

Tính từ ngày 28-5-2021 đến 7 giờ ngày 14-9, tỉnh Gia Lai ghi nhận 524 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 67 trường hợp tái dương tính, 1 trường hợp tử vong); đã xuất viện 247 trường hợp, còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Ia Pa.

Ngày 13-9, các lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trọng điểm đối với các mẫu cộng đồng còn lại của huyện Krông Pa, kết quả đều âm tính, dự kiến ngày 15-9 sẽ dỡ giãn cách đối với các điểm dân cư, vùng phong tỏa tại 2 huyện Krông Pa và huyện Chư Sê.

Liên quan đến công tác chuẩn bị trước đó cho học sinh tiểu học, THCS, THPT đến trường, Ban Chỉ đạo thông tin thêm như sau: Việc học tập trung là cần thiết ngoài vấn đề chất lượng học tập còn giải quyết vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe cho học sinh. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, tỉnh đã chỉ đạo nhà trường đánh giá việc tổ chức học an toàn mỗi ngày, cấp huyện/cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, mỗi tuần địa phương tiến hành điều chỉnh việc học tốt hơn, an toàn hơn, bước từng bước chậm để tìm giải pháp tốt hơn.

Trước đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo; các địa phương chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để chuẩn bị cho học sinh đến trường theo kế hoạch, tuân thủ nguyên tắc bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, phương châm “An toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn”. Vì vậy, phụ huynh, học sinh yên tâm để đưa con em mình đến trường theo kế hoạch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang-thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau 1 tuần triển khai Công văn số 3902/VP-KGVX ngày 4-9-2021, kết quả dạy và học như sau: Khối THCS có 138/235 trường tổ chức dạy học trực tiếp; 55/235 tổ chức dạy học trực tuyến; 42/235 trường chưa tổ chức dạy học; khảo sát số học sinh không có thiết bị học trực tuyến là 51.325 em; trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 35.764 em. Khối THPT có 23/50 trường tổ chức dạy học trực tiếp; 26/50 trường tổ chức dạy học trực tuyến; 1/50 trường chưa tổ chức dạy học; khảo sát số học sinh không có thiết bị học trực tuyến là 5.483 em; trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 3.507 em.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt là các em đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả, triển khai thực hiện Công điện số 905/CĐ-BGDĐT ngày 10-9-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch Covid-19; đồng thời hưởng ứng chương trình phát động “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai thực hiện; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, phối hợp với các nhà mạng, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai phủ sóng vùng “lõm” tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, phục vụ học sinh học trực tuyến khi giãn cách xã hội; phối hợp, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông mở rộng phạm vi và băng thông internet, miễn giảm cước internet, đặc biệt mạng 4G cho học sinh, sinh viên và giáo viên; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, phụ huynh học sinh, cá nhân ủng hộ chương trình tặng máy tính, các thiết bị công nghệ (kể cả thiết bị cũ còn sử dụng được) cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng sâu, vùng xa đang thực hiện giãn cách và triển khai học trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện khảo sát, tổng hợp số lượng học sinh các cấp có hoàn cảnh khó khăn hiện đang cần máy tính, các thiết bị công nghệ để phục vụ việc học trực tuyến khi giãn cách xã hội.

Đây là một chương trình lớn, huy động mọi nguồn để hỗ trợ học sinh trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện học học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tỉnh Gia Lai đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị người dân trên địa bàn tỉnh hạn chế ra ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết; khi phát hiện người đi từ vùng dịch về không thực hiện khai báo y tế, người nhập cảnh trái phép vào tỉnh... kịp thời thông báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý; đồng thời không nên hoang mang, lo lắng mà đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng-chống dịch.

 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

(GLO)- Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Những người bị bệnh tiêu hóa, hô hấp, huyết áp, tim mạch… liên tục nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.