Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi Mỹ Latinh, tâm điểm hiện nay của đại dịch Covid-19, đang oằn mình đối mặt với thách thức to lớn về kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra, thì lại xuất hiện nhiều điểm nóng mới có nguy cơ bùng phát lần thứ hai của dịch bệnh này.
 

 

Tâm dịch ở “góc khuất tầm nhìn”

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 ngày 16-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 8.151.473 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 439.932 ca tử vong.

Tại tâm điểm dịch Mỹ Latinh hiện nay, cụ thể là ở Trung Mỹ, số ca mắc Covid-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 1.628 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 45.695 trường hợp, trong đó có 1.230 ca tử vong.

Trong khi đó, tại khu vực Nam Mỹ, Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 20.647 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua (tính đến hết ngày 15-6), nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 888.271 người, trong đó có 43.959 ca tử vong.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera đã quyết định kéo dài tình trạng thảm họa đặc biệt, đã có hiệu lực kể từ giữa tháng 3, thêm 90 ngày. Chile đã ghi nhận gần 180.000 ca mắc, trong đó có 3.362 ca tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Peru đã kéo dài lệnh phong tỏa và hạn chế sự đi lại của người dân, từ 21 giờ ngày hôm trước tới 4 giờ ngày hôm sau, tới ngày 30-6.

Chính phủ Mexico cho biết nước này đang trong giai đoạn đỉnh dịch và nhận định làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10-2020; làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới. Số ca mắc Covid-19 đã tăng lên đến 150.264 người, trong đó có 17.580 ca tử vong, tăng tương ứng 3.427 ca bệnh và 439 ca tử vong, và 53.217 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hiệp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực sau đại dịch Covid-19 và kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực đưa ra các chính sách khẩn cấp.

Thư ký điều hành của CEPAL Alicia Bárcena đánh giá, Mỹ Latinh - khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới hiện nay - đang đối mặt với sự suy thoái lớn nhất trong lịch sử và dự báo số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số của khu vực, trong đó số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 83 triệu người... CEPAL còn dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ giảm 8% trong năm nay.

Điểm nóng châu Á

Sau gần hai tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vài ngày qua bỗng trở thành “điểm nóng” dịch Covid-19 với sự xuất hiện của ổ dịch mới tại một khu chợ bán buôn trong thành phố.

Đến sáng 16-6, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch này đã lên đến gần 100 người, khiến người phát ngôn của chính quyền thủ đô Bắc Kinh Từ Hòa Kiến cảnh báo tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Kinh “hết sức nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ông Từ Hòa Kiến cho biết đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất để kiểm soát các ổ dịch Covid-19 mới bùng phát.

Theo Tân Hoa xã, trong thông báo ngày 16-6, Sở Giao thông vận tải thành phố Bắc Kinh cho biết, tất cả hãng taxi và hãng cung cấp dịch vụ đi xe chung bị cấm ra khỏi thành phố cho đến khi có thông báo tiếp theo.


 

 Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được triển khai ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNN
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được triển khai ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNN


Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch ở nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng đột biến trong một vài ngày gần đây.

Hàn Quốc cũng sẽ đối mặt với một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới với 800 ca nhiễm mới/ngày trong tháng sau nếu chính phủ không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đây là cảnh báo của một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc, Giáo sư Ki Moran làm việc tại Trung tâm Ung thư quốc gia, đưa ra ngày 15-6 trong một nghiên cứu được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Dù đợt bùng phát mới tại Bắc Kinh chưa đến mức nghiêm trọng như tại Vũ Hán, nhưng rõ ràng, qua diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các nước ở châu Á, rất dễ nhận thấy rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao nếu không thực hiện những biện pháp kiểm dịch và phòng dịch nghiêm ngặt.

 

Theo HẠNH CHI tổng hợp (SGPGO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.