Trung Quốc: Lần đầu ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, Trung Quốc đã tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 nặng, mở ra tia hy vọng mới cho nhiều người bệnh COVID-19. Ảnh: CGTN
Các bác sĩ ở thành phố Vô Tích của Trung Quốc vừa tiến hành ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng vào ngày 29.2.
Tờ CGTN đưa tin, bệnh nhân nam, 59 tuổi, đang trong tình trạng ổn định sau cuộc phẫu thuật kéo dài năm giờ đồng hồ do bác sĩ Trần Tịnh Ngọc đứng đầu ê kíp thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích. Các chuyên gia tin rằng việc ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tỉ lệ tử vong cho giai đoạn sau này.
Bệnh nhân đến từ tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, đã xác nhận bị nhiễm COVID-19 vào ngày 26.1. Sau một loạt các điều trị y tế, bệnh nhân đã cho thấy kết quả âm tính với virus trong nhiều xét nghiệm axit nucleic.
Tuy nhiên, cả hai lá phổi của người này đều bị suy yếu nghiêm trọng và tổn hại được coi là không thể phục hồi trước khi phẫu thuật cấy ghép.
Các quan chức và chuyên gia y tế của Vô Tích, dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế tỉnh Giang Tô, đã quyết định tiến hành phẫu thuật để cứu bệnh nhân.
Phổi dùng cho cấy ghép được hiến tặng bởi một bệnh nhân chết não từ một tỉnh khác, đã được chuyển đến thành phố bằng tàu cao tốc, mất khoảng bảy giờ. 
Theo bác sĩ Trần, việc ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 đòi hỏi ba điều kiện tiên quyết chính: Thứ nhất, phổi của bệnh nhân phải bị suy yếu nghiêm trọng và bị tổn thương không thể phục hồi; Thứ hai, bệnh nhân cần phải xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong nhiều xét nghiệm axit nucleic; Thứ ba, các cơ quan khác của bệnh nhân phải hoạt động bình thường và cơ thể phải có khả năng chịu đựng được phẫu thuật.
"Loại phẫu thuật này có độ rủi ro cao. Nó phải được thực hiện trong phòng phẫu thuật áp suất âm và nhân viên y tế phải mặc quần áo bảo hộ toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật. Đây là một thách thức lớn cả về thể lực và trí lực”, bác sĩ Trần cho biết.
Để đạt được thành công cho ca phẫu thuật trong khi vẫn đảm bảo vô trùng cho nhân viên y tế, bác sĩ Trần đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bác sĩ cho biết biết ê kíp của ông sẽ theo dõi chặt chẽ bệnh nhân và hoàn thành các điều trị tiếp theo, đồng thời tổng kết kinh nghiệm để mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng.
Phương Linh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.