Châu Âu ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một du khách Trung Quốc đã chết ở Pháp sau khi nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19), trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á.
Đài BBC hôm 15-2 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cho biết bệnh nhân là một cụ ông 80 tuổi đến từ tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc. TP Vũ Hán ở tỉnh này là tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng khắp Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Bệnh nhân đến Pháp ngày 16-1 và được đưa vào kiểm tra tại một bệnh viện ở Paris vào ngày 25-1. Trước người này, chỉ có 3 trường hợp tử vong được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, bao gồm 3 bệnh nhân tại Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản.
Tính đến hôm 15-2, hơn 1.500 người đã thiệt mạng vì virus Covid-19, chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc. Hơn 2.641 ca mắc bệnh mới được xác nhận, nâng tổng số bệnh nhân ở Trung Quốc lên 66.492 người.
Ảnh chụp dưới kính hiển vi cho thấy virus Covid-19 giữa các tế bào người. Ảnh: LiveScience
Riêng tại Pháp, có 11 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Covid-19, trong đó 6 trường hợp đang nằm viện. Bà Buzyn cho biết thêm con gái của cụ ông nói trên cũng bị mắc bệnh nhưng được cho là đang hồi phục. Ít nhất 27 quốc gia khác ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona chủng mới và hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả.
Trước đó, ngày 13-2, The New York Times đưa tin một quan chức y tế cấp cao của Trung Quốc đã kêu gọi những người hồi phục sau khi nhiễm virus Covid-19 hiến máu, bởi nó có thể chứa các protein giá trị có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân.
Tập đoàn Biotec (Trung Quốc) tuyên bố các kháng thể này đã giúp điều trị cho 10 bệnh nhân bị bệnh nặng, giảm viêm trong vòng 12-24 giờ. Kháng thể là các protein do hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc các chất lạ khác.
Những trường hợp hồi phục sau khi nhiễm virus Covid-19 vẫn duy trì kháng thể trong máu. Tiêm các kháng thể đó vào bệnh nhân, về mặt lý thuyết, có thể giúp họ chống lại căn bệnh này tốt hơn. GS Benjamin Cowling đến từ Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định trên The New York Times đây là phương pháp từng được sử dụng trong đại dịch cúm.
.Trong khi đó tại Trung Quốc, WHO đang tiến hành điều tra 1.716 nhân viên y tế của nước này bị nhiễm Covid-19, trong đó, có 6 người đã tử vong.
Tình trạng nhiễm bệnh xuất hiện ở đội ngũ nhân viên y tế tăng vọt vào giữa tháng 1 và sau đó nhanh chóng giảm xuống, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO Mike Ryan cho biết. Ông Mike Ryan nói thêm: "Điều này có thể phản ánh các cấp độ tăng cường của hoạt động huấn luyện, bảo vệ và nhận thức".
Các nhân viên của tổ chức này cũng đang điều tra liệu các nhân viên y tế có vô tình tiếp xúc với virus trong môi trường lâm sàng và liệu họ có mang thiết bị bảo hộ vào thời điểm đó hay không.
Hôm 14-2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo có 1.716 nhân viên y tế của nước này bị nhiễm Covid-19, trong đó, có 6 người đã tử vong. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố số liệu cụ thể về các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Sylvie Briand, quan chức cấp cao bộ phận Phòng chống Rủi ro lây nhiễm toàn cầu của WHO, cho biết các nhân viên y tế có thể đã bị mệt mỏi vào thời điểm họ nhiễm bệnh và không thể tiến hành các biện pháp bảo vệ đúng đắn bởi vì họ quá mệt. Trung Quốc đã gửi các chuyên gia y tế từ khắp các khu vực đến để hỗ trợ những nhân viên này.
Một y tá trang bị đồ bảo hộ đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Chung Nam, TP Vũ Hán hôm 8-2. Ảnh: Reuters/ China Daily
Hồi tuần trước, WHO đã gửi các thiết bị y tế như khẩu trang, bao tay, áo bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm đến khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, tổ chức không khuyến khích dự trữ các thiết bị bảo hộ và cho biết số lượng hạn chế các thiết bị sẽ được dành cho những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Hôm 13-2, các nhân viên WHO cho biết họ đang khẩn trương xác định mức độ lan rộng của virus corona chủng mới trong khi chính phủ Trung Quốc báo cáo có sự tăng vọt ở những ca nhiễm mới sau khi thay đổi cách tính toán trường hợp nhiễm bệnh.
Theo ông Mike Ryan, các nhân viên cũng đang xác định vật chủ tự nhiên của loại virus này. Nhân viên WHO hồi đầu tuần này cho biết virus có khả năng xuất phát từ dơi và sau đó truyền sang "vật chủ trung cấp" trước khi truyền nhiễm cho con người.
Phạm Nghĩa - Minh Yến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

Người già, trẻ nhỏ nhập viện vì nắng nóng

(GLO)- Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Những người bị bệnh tiêu hóa, hô hấp, huyết áp, tim mạch… liên tục nhập viện, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.