Nông nghiệp công nghệ cao: Xu hướng tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập hiện nay. Xác định rõ điều này, cộng đồng doanh nghiệp cũng như hộ sản xuất kinh doanh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
 

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 21 dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 12.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 1.200 ha rau, cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 1.000 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 60 ha cà phê, hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ… Đồng thời, tỉnh có 2 sản phẩm là cà phê và chanh dây đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý; nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như: khoai lang Lệ Cần, thịt bò một nắng Krông Pa, gạo Phú Thiện, mật ong Gia Lai... đang được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 334.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho người dân.

 Thu hoạch cam. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Thu hoạch cam. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Đak Pơ là huyện có diện tích sản xuất rau xanh lớn nhất tỉnh với khoảng 6.447 ha, sản lượng rau bình quân mỗi năm đạt trên 100 ngàn tấn. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn phát triển trồng rau theo phương pháp thủy canh, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cho biết: “Gia đình có 5 sào đất sản xuất rau xanh. Trong đó, tôi sử dụng 4 sào làm vườn ươm cây rau giống các loại cung cấp cho người dân các huyện, thị xã lân cận; 1 sào trồng rau sạch công nghệ cao theo phương pháp thủy canh để xuất đi thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình cũng thu lãi được vài trăm triệu đồng, cao hơn 30-50% so với sản xuất truyền thống”. Những năm gần đây, người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thế nhưng, gia đình anh Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) vẫn đang có thu nhập ổn định nhờ sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ và chế biến sản phẩm bằng phương pháp sấy hồng ngoại. Anh Sơn cho biết: Tôi phải mất 6 năm để nghiên cứu và chế tạo thành công máy sấy hồ tiêu hồng ngoại, giúp hồ tiêu giữ nguyên được màu sắc, mùi vị. Hiện gia đình tôi đang chế biến và đưa ra thị trường 5-7 tấn sản phẩm mỗi năm gồm các loại: tiêu ngũ sắc, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh. Sản phẩm hồ tiêu của gia đình tôi đang được tiêu thụ với giá cao hơn 100-350 ngàn đồng/kg so với sản phẩm hồ tiêu khô bình thường ngoài thị trường.

Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều nông dân đã chủ động áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt, trước tình hình khô hạn, thiếu nước sản xuất diễn ra ngày càng nhiều, việc ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước được xem là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Hiện toàn tỉnh có khoảng  23.571 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; trong đó, tưới phun mưa 17.946 ha, tưới nhỏ giọt 4.283 ha, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân 1.340 ha.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất, đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Đây được xem là giải pháp hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững.

Chăm sóc vườn chuối. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Chăm sóc vườn chuối. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC

Theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, đến năm 2035, toàn tỉnh Gia Lai sẽ thành lập 16 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7.328 ha, 1 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao 210 ha và 40 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển cánh đồng lớn, tái canh cây cà phê, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước… đang được các địa phương tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có hơn 650 ha cây trồng đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt giúp tăng năng suất 15-20% đối với các loại cây công nghiệp dài ngày và 20-30% đối với cây rau màu, trong khi công lao động giảm đến 90% và còn chống xói mòn đất”.

Còn tại thị xã An Khê, ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế-cho hay: Trên địa bàn hiện có 2 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An) trồng rau thủy canh với diện tích 300 m2 và ươm cây giống; Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai trồng mít với diện tích 44,4 ha tại xã Thành An áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, người dân còn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất hoa, rau, cây ăn quả, cây dược liệu với diện tích khoảng 200 ha.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm. Nhờ vậy mà nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã được đưa ra thị trường như tinh dầu sả, tinh dầu bơ, tinh dầu mắc ca, hồ tiêu hữu cơ, rau thủy canh, gạo Phú Thiện… Đây là tiền đề cho ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục có những bước đi vững chắc. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển nông nghiệp của tỉnh còn bị tác động bởi nhiều yếu tố như: biến đổi khí hậu, giá một số mặt hàng chủ lực (mía, hồ tiêu, cao su) giảm sâu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ngoài ra, thị trường thế giới đang thắt chặt việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trong khi phần lớn người dân vẫn phát triển sản xuất theo nông hộ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quản lý chặt chẽ đầu vào đối với sản xuất vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc xử lý môi trường thủy sản); lựa chọn những loại vật tư nông nghiệp tốt, giá thành hợp lý để phục vụ sản xuất. Tổ chức rà soát đánh giá từng khu vực, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của từng vùng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, organic. “Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt gắn với truy xuất nguồn gốc. Kết nối cung cầu trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường truyền thống (Trung Quốc) và thị trường tiềm năng (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và ra các nước châu Âu). Tập trung thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến sâu đối với mặt hàng nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế trang trại là nòng cốt, đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, từ đó làm “đòn bẩy” dẫn dắt người dân đi theo”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.

 LÊ NAM