Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Ngô Thành: "Pleiku tiến rất nhanh dù vẫn còn thách thức"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua những dâu bể cuộc đời, người chiến sĩ cách mạng lão thành Ngô Thành vẫn một niềm tin sắt son, mãnh liệt về những mùa xuân thắng lợi. Chiều cuối năm, ông trải lòng với Báo Gia Lai Điện tử bao câu chuyện về Phố núi nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku.



Sau thời gian hoạt động cách mạng ở quê nhà Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), chàng trai Ngô Thành đã vượt rừng lên Gia Lai gia nhập đội quân cách mạng lúc mới 24 tuổi. Đó là lúc đất nước, quê hương lan tràn lửa chiến. Cả quãng đời thanh xuân đẹp đẽ ấy của ông là những cống hiến quên mình, đầy ý chí cho khát vọng, hoài bão về một ngày mai xán lạn. Giờ đây, ở tuổi 94, ông vẫn đau đáu nhiều vấn đề của xã hội với một trí tuệ mẫn tiệp.

“Năm nay nữa là tôi tròn 73 năm tuổi Đảng. Tôi về nghỉ hưu khi đã 66 tuổi, lúc đó giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum, nhưng thực sự cũng không nghỉ. Về nhà, tôi viết hồi ký, làm thơ, tham gia các tổ chức xã hội. Tôi đã xuất bản được 4 tập hồi ký, 2 tập thơ và đang in tiếp một cuốn nữa. Rồi tham gia viết sử cho các địa phương, tham gia các buổi nói chuyện nhân những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Ngày nào tôi cũng đi bộ để giữ gìn sức khỏe”-ông Ngô Thành nói.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, điều khiến ông vui nhất trong năm nay là TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra. Đây là thành tựu rất quan trọng chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku. Và cứ thế, Pleiku xưa và nay tràn về trong ký ức của ông.

ĐÔ THỊ XƯA

* P.V:
Pleiku xưa đọng lại trong ông điều gì nhất?

- Ông NGÔ THÀNH: Những năm trước và sau 1975, Pleiku còn hoang sơ lắm, chỉ có 2 phường Hội Thương và Hội Phú. Pleiku lúc đó cũng chỉ là nông thôn chứ chưa hẳn là thị xã, chỉ có dăm căn nhà tầng, còn lại là nhà thưng ván, lợp tôn. Phương tiện thì có vài chiếc xe lam chở khách. Nhà đèn (điện) chỉ phục vụ cho khu vực trung tâm. Cũng ít đường nhựa, đa số là đường đất. Mùa mưa dài lắm, cả 4, 5 tháng và mưa suốt chứ không như bây giờ. Phố núi mùa mưa sương giăng cả sáng lẫn chiều. Nhiều nghệ sĩ nói Phố núi mờ sương chẳng hề sai chút nào. Và cuộc sống của người dân đa số khó khăn.

Ông Ngô Thành (bìa phải) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Ngô Loan
Ông Ngô Thành (bìa phải) trao đổi với phóng viên. Ảnh: NGÔ LOAN



Ấn tượng mà tôi nhớ nhất về Pleiku có lẽ là cây xanh. Nhiều cây lắm! Chẳng hạn, đường Trần Hưng Đạo (Trịnh Minh Thế ngày trước-P.V) cây hai bên đường rất nhiều, nhánh tỏa ra cả lòng đường, giao tán với nhau. Đi dưới đường như luồn qua bóng cây. Nó mang tính chất núi rừng, thị xã của cao nguyên. Mật độ dân cư cũng thưa thớt.

* P.V: Cảm giác của ông ra sao khi cùng các đồng đội tiếp quản Pleiku năm 1975?

- Ông NGÔ THÀNH: Cuộc tháo chạy khỏi Pleiku theo đường 7 của lực lượng phía bên kia và thân nhân của họ là câu chuyện ly loạn, đầy đau thương trong quá trình thống nhất giang sơn. Tận mắt chứng kiến nhiều đồ dùng, rồi áo quần và thậm chí cả súng đạn vứt tứ tung khi tiến vào Pleiku, có lẽ ai cũng chạnh lòng chứ không riêng gì tôi. Thị xã lúc đó thật sự là hoang tàn. Chiến tranh mà, đau thương, mất mát là điều không thể tránh khỏi.

* P.V: Nhưng cũng có những niềm vui chứ, thưa ông?

- Ông NGÔ THÀNH: Dĩ nhiên rồi! Pleiku cũng như khu vực Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong quân sự. Giải phóng được khu vực này cũng đồng nghĩa với việc có những lợi thế lớn trong quân sự. Cũng có bao cuộc trùng phùng, cảm động trào nước mắt. Ai cũng muốn bình an cả. Thời thế phải vậy thôi. Nhưng sung sướng nhất là khi nhận tin Sài Gòn giải phóng qua làn sóng điện. Cuộc sống khốn khó vẫn là thử thách trước mắt nhưng giang sơn đã thu về một mối. Đất nước của người Việt và phải là của người Việt! Đấy là niềm vui lớn nhất dù phải trả một cái giá quá đắt.

VÀ ĐÔ THỊ CAO NGUYÊN HÔM  NAY…

* P.V: Ông suy nghĩ như thế nào về TP. Pleiku hôm nay?

- Ông NGÔ THÀNH: Pleiku không như các thành phố khác trên cả nước. Dân tứ xứ, nhưng chủ yếu là người miền Trung. Người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẽ, hòa thuận. Có dịp đi nhiều nơi, tôi thấy rằng, so với các thành phố cao nguyên khác, Pleiku là thành phố tiến rất nhanh dù vẫn còn rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Vừa rồi Chính phủ công nhận TP. Pleiku đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mà hoàn thành sớm tận hơn 2 năm so với mục tiêu và trùng với dịp kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku. Đây là ghi nhận cho những nỗ lực trong công tác điều hành, quản lý và cả sự vươn lên tự thân của người dân.

 Thành phố Pleiku đang định hình một đô thị hiện đại, giàu bản sắc. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Thành phố Pleiku đang định hình một đô thị hiện đại, giàu bản sắc. Ảnh: PHAN NGUYÊN



Ngoài khu vực nội thị, khi ra ngoại ô, chúng ta cũng thấy nhiều vùng dân cư trù phú như ở An Phú, Biển Hồ… Cuộc sống của đồng bào bản địa ở TP. Pleiku được cải thiện đáng kể, nhiều người có của ăn của để. Ngày xưa họ chỉ biết cây lúa, giờ đã biết nhiều thứ, đa canh, tiếp thu nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dẫu chưa thỏa mãn nhưng đó là bước tiến dài cần phát huy.

* P.V: Pleiku còn có những thú vị nào khác, thưa ông?

- Ông NGÔ THÀNH: Pleiku như tôi nói là địa phương đa sắc dân. Nhiều người ở các miền quê khác nhau đã chọn Pleiku làm quê hương thứ 2 của mình để sinh sống, mưu sinh, lập nghiệp. Và họ cũng mang theo những phong tục tập quán từ các vùng miền khác đến cao nguyên. Điều này làm cho Pleiku thêm phong phú về cả phong vị văn hóa lẫn ẩm thực.

* P.V: Theo ông, đa sắc dân có phải là một thách thức?

- Ông NGÔ THÀNH: Dĩ nhiên là vậy. Thế nên vấn đề đoàn kết cần được đặc biệt lưu ý vì đời sống, phong tục ở các vùng miền, của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Phải giữ được sự chan hòa, đoàn kết. Đó là thành công của Pleiku.

* P.V: Theo ông, Pleiku cần thêm những “cú hích” nào cho quá trình phát triển?

- Ông NGÔ THÀNH: Pleiku có nhiều điểm nhấn, chẳng hạn như Quảng trường Đại Đoàn Kết, chùa Minh Thành… cùng nhiều danh thắng khác và vốn quý là những làng bản địa trong phố, có thể phát triển mạnh du lịch, dịch vụ. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm kêu gọi đầu tư, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến với Pleiku, đến với Gia Lai. Đấy là những “cú hích” rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần chú trọng, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Đây là lực lượng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa cao nguyên. Họ rất cần được tạo điều kiện để vươn lên trong xu thế công nghệ 4.0.

* P.V: Theo ông, đâu là những nét nổi bật trong tính cách người Pleiku?

- Ông NGÔ THÀNH: Pleiku tuy là thành phố nhỏ nhưng có khí hậu mát mẻ, hấp dẫn. Nhiều du khách, bạn bè hay người quen của tôi đến Pleiku chơi đều hài lòng và trân trọng những nét tính cách của con người Pleiku. Đấy là sự hào sảng, chan hòa, hiếu khách, chu đáo và tạo nên cuộc sống yên vui. Rất nhiều lời khen! Có thể tự hào về điều đó lắm chứ! Họ quý mới đến với mình. Đấy cũng là cơ hội để mình giao lưu, gặp gỡ, giao thương.

* P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

 

TRẦN HIẾU