"Chúng tôi bất lực lắm" - lời tâm sự đau đớn của một bác sĩ  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rất nhiều bệnh nhân ung thư đang chết nhanh hơn, chết sớm hơn... vì bệnh viện thiếu máy xạ trị. Còn máy xạ trị thì hoặc chạy hết công suất - đến mức như phá, hoặc đắp chiếu chờ... cơ chế.

 

Bệnh nhân K chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư máy móc xạ trị, quan tâm tới sự sống của bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thuỳ Linh
Bệnh nhân K chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư máy móc xạ trị, quan tâm tới sự sống của bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thuỳ Linh


Viện K lúc 0h. Không khí như trực chiến. Đèn sáng như ban ngày. Các bác sĩ thay nhau trực 7/7, không có ngày nghỉ. Các kỹ thuật viên thậm chí không có cả giờ nghỉ khi máy móc đang phải chạy hết công suất 24/24h.

Khoảng 2.300 bệnh nhân ung thư ở Viện K cần phải xạ trị mỗi ngày, nhưng máy móc chạy hết tốc lực, hết công suất cũng chỉ điều trị được 1.000 ca/ngày

Vậy hơn 1.000 bệnh nhân nữa thì sao?

Họ phải chờ! Với những cơn đau đớn. Và tuyệt vọng. Bệnh nào cũng cần phải điều trị sớm, nhất là ung thư, việc sớm/muộn có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nặng nề. Bởi phải chờ xạ trị đến 1 tháng, bệnh ung thư có thể nhảy từ giai đoạn 1 lên giai đoạn 2, giai đoạn 3 lên giai đoạn 4.

Và có lẽ, cả… sau giai đoạn 4 nữa.

Trong một bài viết trên Báo Lao Động, bác sĩ Võ Văn Xuân, Trưởng Khoa Xạ trị 5 bày tỏ cái cảm giác “như một sự tra tấn tinh thần” khi không cứu được bệnh nhân.

Và ông nói: Chúng tôi bất lực lắm!

Bất lực vì không cứu được bệnh nhân, chỉ vì thiếu vài cái máy.

Ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, có 7 máy xạ trị thì hỏng 3. Những chiếc lành lặn đang chạy tối đa công suất với 240-250 bệnh nhân/24h.

Thiếu máy móc, vật tư, thiết bị đang là một bệnh trọng trong cơn khủng hoảng của ngành y tế. Nhưng để thiếu cả máy móc xạ trị bệnh ung thư - một thứ được ví như “nguồn sống” của bệnh nhân - thì không thể chấp nhận được.

Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói cần 10 chiếc máy xạ trị nữa mới đủ để cứu sống bệnh nhân.

Mỗi chiếc như thế giá khoảng 130 tỉ đồng. 10 máy 1.300 tỉ. Bệnh viện K đang đứng trước nan đề: Nếu bỏ hết vốn liếng thì cũng chưa đủ mua 1 cái. Ngay cả khi mỗi năm mua được 1 cái, thì cái trước đã hỏng.

Giáo sư Quảng nói Viện K đang “cố”. Nhưng “không biết cố đến bao giờ” vì “chạy 24/24 thì không máy móc nào chịu nổi”

Viện K cũng đang có một máy xạ trị “đắp chiếu” mà không thể sửa chữa. Bởi theo quy định, cần phải có 3 báo giá. Nhưng chiếc máy “độc nhất” này thì chỉ có duy nhất 1 báo giá được hãng ủy quyền với giá tăng 20% so với năm trước. Bệnh viện không thể tự quyết được, phải xin ý kiến Bộ Y tế. Và giờ thì đang chờ câu trả lời.

Bệnh nhân tuyệt vọng chờ được cứu, bác sĩ thì bất lực vì thiếu máy, vì chờ máy, bệnh viện cũng khắc khoải chờ cơ chế. Chờ ai? Chờ đến bao giờ? Không ai trả lời cho họ cả.


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chung-toi-bat-luc-lam-loi-tam-su-dau-don-cua-mot-bac-si-1120111.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.