Tôn trọng quyền làm chủ của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tiếp nhiều cán bộ lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền độc đoán trong lãnh đạo. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, khắc phục để tạo sự đồng thuận, tạo thành nguồn lực quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Dự kiến kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, một bước tiến trong việc cụ thể hóa đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng xã hội dân chủ, hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mục đích là để dân chủ trong chế độ ta là dân chủ thật sự.

Nhà nước ta là nhà nước của dân do dân và vì dân. Muốn thực hiện được điều đó thì mọi việc lớn nhỏ của đất nước, người dân phải được biết, được tham gia và được quyết định. Vì thế mới có phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta bổ sung thêm nội dung “dân thụ hưởng”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm một số nội dung được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm một số nội dung được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Trong sinh hoạt Đảng hay trong bất cứ việc gì của Nhà nước, thực hiện dân chủ cơ sở chính là đảm bảo cho đảng viên và người dân có quyền được biết, được tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc đơn giản là tham gia bàn bạc các quyết sách phát triển ở địa phương. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, coi trọng quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của đảng viên và người dân thì nơi đó phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định những công việc quan trọng của tập thể, địa phương, đất nước. Nhờ đó, nguồn lực được huy động, các phong trào được đẩy mạnh, kinh tế-xã hội ổn định và phát triển; an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra các điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.

Thế nhưng, đáng tiếc ở một số địa phương, việc thực hiện dân chủ lại chỉ mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan không được đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Có nơi, tuy công khai nhưng lại không thực chất, những ý kiến góp ý, bàn bạc của đảng viên, người dân lại bị lãnh đạo bỏ ngoài tai. Thậm chí, có người dân còn bị đe nẹt, dọa dẫm khi muốn thực hiện quyền được biết, được bàn, được kiểm tra của mình.

Nhìn lại những vụ kỷ luật cán bộ thời gian qua, không thể nói rằng, những cán bộ ấy không biết tầm quan trọng của thực thi quyền làm chủ của đảng viên và người dân. Bởi lẽ, đã là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo không ai không hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc này. Vấn đề là vì nhiều lý do, những cán bộ ấy cố tình lờ đi lời góp ý của đảng viên, quần chúng. Họ tự cho mình quyền được đứng trên mọi người mà tự ý quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, mua sắm công, cấp phép đầu tư, đất đai, đấu thầu xây dựng các công trình từ vốn ngân sách nhà nước… Kết quả là đã có nhiều sai phạm xảy ra, kéo theo sự “ra đi” của nhiều cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, người đứng đầu các địa phương, thậm chí là các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tướng lĩnh Quân đội, Công an…  

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng ra”. Khi quyền làm chủ của người dân không được đảm bảo, thậm chí bị đe dọa, sẽ khiến người dân không dám “mở miệng” và rồi đến một lúc nào đó họ cũng không muốn “mở miệng” nữa vì đã mất lòng tin. Khi đã như vậy thì Nhà nước sẽ không còn sức mạnh nhân dân, vốn được coi là cội nguồn sâu xa của mọi thắng lợi, của tương lai phát triển đất nước.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” là quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân. Nhưng để người dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ đó đòi hỏi các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền… cũng phải tạo mọi điều kiện để người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra. Quan trọng hơn là phải xây dựng, củng cố được niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Niềm tin ấy chỉ được tạo dựng khi quyền làm chủ của người dân luôn được tôn trọng, lời của dân góp ý, bàn bạc mang tính xây dựng được Đảng, Nhà nước lắng nghe, tiếp thu một cách trân trọng.

Dân chủ thế mới là dân chủ thật sự!

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).