Vị thế của người thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (5-9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2022-2023.

Chủ đề năm nay cho toàn ngành được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đặt ra là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Có thể thấy "nâng cao chất lượng giáo dục" là cụm từ khóa quan trọng nhất trong mục tiêu Bộ GD-ĐT đã đề ra. Đó cũng chính là mong mỏi của toàn xã hội, là kỳ vọng của hàng triệu gia đình, là nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và là ước mơ của bao học sinh. Chất lượng giáo dục không chỉ bảo đảm mà đòi hỏi phải được nâng lên, ngày càng cao hơn, để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của đất nước, hòa nhịp với nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Trên hành trình Việt Nam hội nhập quốc tế, nếu GD-ĐT chựng lại, tức là tụt hậu, sẽ trì kéo đà phát triển của đất nước. GD-ĐT phát triển thì khoa học-công nghệ mới tiến bộ, nhờ đó kinh tế mới thịnh vượng, xã hội mới phồn vinh.

Vì vậy, nâng cao chất lượng GD-ĐT là nhiệm vụ cao nhất của mọi nhiệm vụ mà "cỗ máy cái" phải nỗ lực hoàn thành. Nhưng, làm thế nào để đạt được mục tiêu, đó mới là vấn đề.

Giải pháp chính là phải tái khẳng định người thầy là trung tâm và định vị lại vai trò trung tâm thật sự của người thầy. Trước hết, cần khắc phục sớm tình trạng thiếu giáo viên.

Vấn đề lớn nhất, khó nhất này, nay đã có hướng giải quyết. Cụ thể, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn năm 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Hiện Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng.

Chủ trương tăng biên chế đã có, song tuyển dụng được hay không là chuyện khác, đấy là chưa nói đến việc phải làm sao giữ chân cho được đội ngũ giáo viên hiện có. Do vậy, một thách thức gay go nữa là cần sớm xây dựng thang bảng lương, thu nhập, đãi ngộ đặc thù cho nghề giáo, bảo đảm cho thầy cô chuyên tâm theo nghề, hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời ngăn dòng bỏ dạy vốn diễn ra khá nhức nhối trong thời gian gần đây.

Ba năm qua, Bộ GD-ĐT phát động thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc", theo đó học sinh mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, trường học phải là "nơi ước đến, chốn mong về". Đây là mô hình tiến bộ, nhân văn, song đừng để "hạnh phúc" dồn cả cho phía người học, mà thầy cô giáo cũng phải thật sự cảm nhận và thụ hưởng được "hạnh phúc" từ nghề cao quý của mình.

Theo DƯƠNG QUANG (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.