Tăng rồi có giảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đưa ra nội dung đề xuất cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1%-5%, tức nới rộng quyền hơn so với mức 3% đến dưới 5% trước đây.

Quy định này nếu được thông qua sẽ giúp việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của EVN được linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao do ảnh hưởng từ diễn biến cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới.

Thực tế, ngành điện đang phải đối mặt với áp lực tăng chi phí rất lớn khi thị trường nhiên liệu sản xuất, như than, dầu khí... biến động mạnh như thời gian qua với mức tăng giá lên đến 5-6 lần so với năm ngoái, thậm chí nhiều hơn. Nhiều nguồn phát có yếu tố tư nhân trong nước, vì thế, trở nên đắt đỏ trong khi EVN khi mua điện từ những nguồn này không được trợ giá và phải chịu giá cao.

Tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân được hình thành không chỉ bởi chi phí nhiên liệu đầu vào mà còn chi phí của các khâu sản xuất, truyền tải, phát điện cùng các hoạt động quản trị, quản lý của doanh nghiệp. Như vậy, ngoài yếu tố khách quan từ thị trường năng lượng toàn cầu thì nhiều yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp cũng có thể góp phần tạo thêm gánh nặng lên giá thành sản xuất điện.

Nếu doanh nghiệp không quản trị tốt, lãng phí trong các khâu sản xuất, vận hành... dẫn đến tăng chi phí hoặc thậm chí lợi dụng kẽ hở để can thiệp vào sổ sách kế toán rồi "đòi" tăng giá điện thì sẽ ra sao? Yêu cầu tối quan trọng là phải có cơ quan giám sát với đủ cơ chế, thẩm quyền cần thiết để có thể rà soát, kiểm soát chặt chẽ chi phí nội bộ của doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của nhà nước như EVN, nhằm chặn nguy cơ doanh nghiệp lạm quyền đưa ra quyết định không hợp lý.

Bên cạnh đó, việc "nhà đèn" được tự tăng giá trong phạm vi đề xuất từ 1%-5% nếu không đi kèm quy định ràng buộc cùng với giải trình cụ thể, sẽ khó thuyết phục. Tại sao lại cho phép EVN tự quyết tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 1% và giới hạn cao nhất là 5% mà không phải mức khác? Khi không làm rõ được căn cứ thì hẳn nhiên người dân không đồng thuận.

Một điểm đáng lưu ý khác là nếu như dự thảo quy định rõ về thẩm quyền và mức tăng giá thì chỉ nêu chung chung khi giá bán lẻ điện bình quân giảm so với hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng mà không đưa ra mức độ, thẩm quyền cụ thể. Để ràng buộc rõ trách nhiệm của EVN, Bộ Công Thương trong việc giảm giá điện, cần quy định rõ một số nội dung cụ thể như: thẩm quyền giảm giá, mức giảm, thời hạn áp dụng, giảm ngay lập tức khi có biến động chi phí đầu vào hay phải xin ý kiến bộ - ngành, cơ quan có thẩm quyền liên quan? Việc quy định rõ như này nhằm bảo đảm công bằng với người tiêu dùng, tránh tình trạng giá điện chỉ tăng mà không giảm...

Phương Nhung ghi

HÀ ĐĂNG SƠN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng
và tăng trưởng xanh - Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam


(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.