"Sổ hộ khẩu gốc đâu ?"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND các tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, thay vào đó chỉ cần căn cước công dân (CCCD) gắn chip khi làm các thủ tục hành chính.

Yêu cầu này được đưa ra khi tại đa số các địa phương, cán bộ hành chính vẫn yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi đi làm thủ tục. Một người dân sinh sống tại H.Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ 3 năm trước khi sinh con đầu, anh đăng ký khai sinh online trên Cổng dịch vụ công Hà Nội. Nhưng đọc quy định “nhận hồ sơ vẫn phải đem hết các loại giấy tờ gốc lên đối chiếu”, anh quyết định đi làm trực tiếp tại xã. Tháng trước, khi khai sinh cho con thứ hai, anh hy vọng thủ tục đã được cải tiến khi thấy không cần quy định giấy tờ gốc để đối chiếu nữa, nhưng sau khi hoàn thiện thủ tục online, tới khâu nhận kết quả tại xã, nhân viên xã lại hỏi “giấy tờ gốc đâu?”.

Câu chuyện trên không phải là đơn lẻ khi rất nhiều người dân sinh sống tại các địa phương bức xúc cho biết dù đã có CCCD, nhưng câu đầu tiên của cán bộ tiếp nhận khi đăng ký làm các thủ tục hành chính vẫn là: “Sổ hộ khẩu gốc đâu?”. Câu hỏi đặt ra: Cần giấy tờ gốc làm gì khi thông tin cá nhân người dân đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia?

Đơn giản hóa thủ tục, hướng đến nền hành chính 4.0 dựa trên các nền tảng cơ bản chính phủ số, công dân số là mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới. Để làm được điều này, từ vài năm nay, quá trình chuyển đổi số trong bộ máy công quyền đã được đẩy mạnh từ cả T.Ư, các bộ, ngành đến các địa phương thông qua Cổng dịch vụ công, xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (CCCD gắn chip, định danh điện tử), liên thông các cơ sở dữ liệu ngành. Mục tiêu là vậy, song thực tế triển khai vẫn không thiếu những câu chuyện “trên thông, dưới tắc”, thiếu liên thông giữa bộ nọ ngành kia, bên nào cũng đòi cập nhật, thu thập dữ liệu, nhưng mỗi ngành là một “ốc đảo”.

Không chỉ với người dân, các doanh nghiệp (DN) cũng dở khóc dở cười khi đi làm thủ tục, cái gì cũng cần giấy tờ bản gốc, ký tên, đóng dấu, thậm chí thông quan điện tử nhưng vẫn phải gửi chứng từ gốc. Trong khi đó, tại nhiều nước, người dân chỉ cần CCCD hoặc mã định danh điện tử để có thể thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính từ giáo dục, y tế, nhà đất, ngân hàng, giao thông... Nhiều thủ tục kinh doanh đều có thể được giải quyết online, như thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho DN xuất khẩu tại Hàn Quốc cũng chỉ mất 3 tiếng qua online, có con dấu điện tử.

Trong khi đó, tại hội nghị đối thoại của Thủ tướng với DN FDI, đại diện Hiệp hội DN Singapore tại VN phàn nàn thời hạn xin cấp giấy phép kinh doanh kéo dài gây nhiều phiền toái và lãng phí thời gian. DN cần nộp và bổ sung rất nhiều lần cho các câu hỏi từ Bộ Công thương và Sở Công thương địa phương, thậm chí có thể kéo dài từ 4 - 12 tháng.

Nỗ lực và quyết tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN trong nước và nước ngoài đã và đang được người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết liệt qua các cuộc họp định kỳ hằng tháng, các chỉ đạo cũng như đối thoại trực tiếp. Song, để biến quyết tâm đó thành hiện thực, để có nền hành chính 4.0 thực chất, rõ ràng phải có sự thay đổi thực chất hơn nữa từ bên dưới là các bộ, ngành cho đến cấp tỉnh, huyện, xã.

Theo Mai Hà (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.