Nhân lên giá trị di sản Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (6-9), Việt Nam tổ chức kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Lễ kỷ niệm với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thêm một lần nữa ghi nhận những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Cách đây 35 năm, khóa họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận “Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết đã khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm và đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp, tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó làm cho thế giới hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của tư tưởng và những cống hiến của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp giải phóng con người.

Với nghị quyết này, UNECO đã khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam; công nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đồng thời là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam.

Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước đã mang lại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những hiểu biết về nhiều dân tộc, nhiều nền văn minh khác nhau khắp các châu lục. Sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại đã mang đến cho Người một thế giới quan toàn diện, sâu sắc về thân phận con người, về những bất công mà các dân tộc nô lệ phải gánh chịu. Từ đó, thôi thúc lý tưởng đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.

Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Những giá trị về tư tưởng, nhân văn, đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh luôn có sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.

Di sản văn hóa Hồ Chí Minh là tổng thể thực tiễn và lý luận, gồm toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, đạo đức sáng ngời, phong cách giản dị, cao quý của Người. Đó là di sản mang tính phổ quát, vượt qua thời gian và luôn mang tính thời đại: độc lập tự chủ, giải phóng con người, đoàn kết quốc tế, coi trọng đa dạng văn hóa; xóa nạn mù chữ; học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; Tết trồng cây gắn với bảo vệ môi trường…

Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã khẳng định tính đúng đắn của lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn; được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kế thừa và phát huy nhằm hiện thực hóa mong ước của Người là “đem lại độc lập cho dân tộc”, “cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho mọi người”.

Sự vinh danh này là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để chúng ta tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục nhân lên những giá trị tinh thần quý báu của di sản Hồ Chí Minh trở thành nét đẹp văn hóa trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất của mỗi con người.

Chúng ta học theo Bác đức tính khiêm nhường, đặt mình trong dân, soi vào thực tiễn để hiểu mình; góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Chúng ta học theo Bác tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong công việc, sẵn sàng từ bỏ cái lạc hậu lỗi thời, tìm tòi những cái mới mang tính thời đại; luôn hướng về phía trước, không ngừng nâng cao trình độ, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức phong phú, sâu rộng từ thực tiễn cuộc sống.

Học Bác là học phong cách ứng xử trên một bình diện văn hóa cao, sống giản dị thanh cao, khoan dung độ lượng với mọi người, yêu lao động, quý thời gian; không tham ô, lãng phí; tin yêu và tôn trọng quần chúng.

Học và làm theo Bác để “lòng trong, trí sáng”, để mỗi người biết phấn đấu vươn lên, làm cho mình ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn với những gì mà thế hệ cha ông đã trao truyền lại, để cùng nhau phát huy, lan tỏa, nhân lên những giá trị mang tính toàn cầu của tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh.  

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.