Nhập cám về nuôi heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

70-85% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đang phải nhập ngoại. Cụ thể, nhập từ đậu tương, ngô, lúa mì, cả dầu động vật nữa... để làm cám nuôi heo.

 Giá thịt heo tăng nóng, nhưng nông dân không thể hạ giá khi thức ăn chăn nuôi không như xăng, đã tăng 20 lần và khi chúng ta phải nhập cả ngô về làm cám nuôi lợn. Ảnh: Thanh Chân
Giá thịt heo tăng nóng, nhưng nông dân không thể hạ giá khi thức ăn chăn nuôi không như xăng, đã tăng 20 lần và khi chúng ta phải nhập cả ngô về làm cám nuôi lợn. Ảnh: Thanh Chân


Giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,7 lần. Và từ gần 2 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi đã 20 lần tăng liên tiếp. Chưa một lần giảm.

2 con số trên được chính Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến xác nhận, theo Vietnamnet.

Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, từ đầu 2022 đến nay, thức ăn chăn nuôi tăng từ 30-45% so với cùng kỳ khiến giá thành phẩm cũng tăng từ 36-38%. Cụ thể, giá thành sản xuất mỗi kg heo hơi đã lên đến khoảng 60.000 đồng.

Rất oan cho nông dân nếu đòi giá heo phải như giá xăng. Họ đâu dùng cùi tay để nuôi lợn?

Nhưng cái đáng để nói nhất trong câu chuyện giá thịt heo là sự phụ thuộc, nếu như không nói là lệ thuộc vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Ngày 8.11.2021, trên website của Cục Chăn nuôi đăng lại một bài báo với nhan đề: Mỹ nói Việt Nam là “cường quốc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi”.

Có những con số nhập khẩu rất “khó nuốt”.

Chẳng hạn, từ năm 2015, lượng nhập khẩu ngô đã vượt sản lượng sản xuất trong nước.

Chẳng hạn, chúng ta phải mang ngoại tệ sang Argentina, sang Brazil, sang Mỹ, sang “bên kia bán cầu” để nhập ngô làm cám cho lợn.

Và cái danh hiệu “nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á”, hay ứng viên “lớn thứ năm toàn cầu”... thật sự là chua chát. Bởi nó cho thấy sản xuất trong nước thất bại thảm hại đến thế nào.

Thảm hại, ở năng suất cây trồng. Chẳng hạn ngô Việt chỉ đạt 4,8 tấn/ha, trong khi các nước thì gần 9 tấn. Hay như đậu tương, trong khi ở Mỹ năng suất đạt tới 132 quả/cây, còn chúng ta chưa được đến 70 quả…

Thảm hại, vì tiếng là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhưng đang phải nhập 70 - 85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng như giá trị.

Để giải toả những cơn sốt thịt heo, một cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đề xuất dân ăn thịt gà, ăn cá tôm vì “không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn”.

Chúng ta cũng từng phải “nhập nóng” lợn sống về để giải toả cơn sốt thịt heo.

Nhưng dứt khoát đó chỉ là “chữa cháy”, là tình thế..., không bao giờ là một biện pháp mà các cơn sốt giá thịt heo cứ nối nhau suốt bao năm qua đã chứng minh.

Muốn ổn định giá thịt heo, loại thức ăn chiếm tới 60-70% trong cơ cấu bữa ăn của người Việt thì đầu tiên là phải chấm dứt tình trạng dùng ngoại tệ mạnh nhập khẩu thập cẩm.

Chứ một đất nước nông nghiệp “rừng vàng, biển bạc” phải nhập ngô, nhập đậu tương, nhập đủ thứ về làm cám nuôi heo..., nó giống với sự kỳ cục.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhap-cam-ve-nuoi-heo-1076263.ldo
 

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.