Hành xử văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi trên đường phố ở các nước phát triển, người viết chứng kiến nhiều người khi dẫn chó đi theo nếu gặp người khác ở cự ly gần thì nhanh chóng thu dây để chó không tiếp cận người khác.
Một hành động rất nhỏ nhưng thể hiện ý thức hành xử khi không để gây phiền toái cho người khác.
Bởi thực tế, có người thích chó, nhưng cũng có người không thích và thậm chí e ngại chó.
Tại VN, không phải đến bây giờ mà từ rất lâu thì chó là vật nuôi quen thuộc, gần gũi với nhiều người nên việc nuôi chó rất phổ biến. Ngày trước, khi tỷ lệ đô thị hóa chưa cao, việc thả rông chó trong vườn nhà hay loanh quanh khu vực hàng xóm cũng phổ biến và hầu hết mọi người xem là bình thường.
Tuy nhiên, thời gian thay đổi, xã hội phát triển, đô thị hóa cao hơn cũng đòi hỏi người dân cần có cách hành xử phù hợp hơn. Chắc chắn việc người dân nuôi chó ở các khu phố hay trong các chung cư không thể vô tư, thoải mái như ở làng xóm nông thôn cách đây nhiều năm.
Ví dụ, ở chung cư, chỉ cần chó của một hộ gia đình sủa inh ỏi giữa đêm cũng đủ làm phiền bao nhiêu người xung quanh, nhất là những hộ gia đình có trẻ nhỏ. Hay khi lên xuống thang máy ở chung cư, cũng không thể tùy tiện dẫn chó mà không rọ mõm với lý do “chó nhà tôi hiền lắm”, trong khi thực tế đã từng xảy ra không ít vụ chó cắn. Rồi việc để chó phóng uế bừa bãi không chỉ gây phiền cho hàng xóm láng giềng mà còn trở thành nguyên nhân của không ít vụ cãi vã, thậm chí ẩu đả.
Đáng lo hơn, những năm gần đây nhiều loài chó ngoại được du nhập vào VN và được nuôi ngày càng nhiều, bất chấp việc một số loài trong đó bị thế giới đưa vào nhóm rất nguy hiểm, đòi hỏi điều kiện nuôi nhốt khắt khe và thậm chí bị cấm nuôi. Vậy mà nhiều người nuôi các giống chó nguy hiểm một cách thoải mái như nuôi các giống chó thông thường. Hậu quả là thời gian qua đã có không ít vụ chó becgie, pitbull cắn chết người khiến dư luận lo ngại.
Tại VN, dù quy định pháp luật về việc nuôi nhốt chó chưa đầy đủ và chi tiết như nhiều nước, nhưng về cơ bản thì vẫn có một số quy định như: không để chó phóng uế bừa bãi, luôn phải rọ mõm khi dắt chó ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng vi phạm vẫn xảy ra nhan nhản, ngay cả tại các khu phố, chung cư cao cấp. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng khó có đủ nhân lực và thời gian để xử lý triệt để tình trạng này. Hay gần hơn là các ban quản lý chung cư, tổ tự quản khu phố... thì phần lớn không có đủ thẩm quyền xử lý.
Chính vì thế, để tránh những phiền toái hay thậm chí là hậu quả từ việc nuôi chó, mỗi người nuôi chó trước hết phải hành xử văn minh, đừng gây ảnh hưởng người khác. Và tất nhiên, các cơ quan hữu trách cũng cần có biện pháp tăng cường xử lý những người vi phạm.
Theo Hoàng Đình (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.