Bác sĩ kê toa bán thực phẩm chức năng, một loại "hoa hồng" ngành y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo phản ánh của Báo Lao Động, trong 1 đơn thuốc bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê, bệnh nhân phải chi trả hơn 400 nghìn đồng cho thuốc điều trị, nhưng lại phải chi đến hơn 4,8 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng.

 

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê toa bán thực phẩm chức năng Ảnh: PV
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê toa bán thực phẩm chức năng. Ảnh: PV


Cụ thể, trên bao bì 2 sản phẩm Tebexerol và Herarian đều được ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc và không dùng thay thế cho thuốc chữa bệnh", nhưng đã được bác sĩ đưa vào toa thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Y đức không còn, khi thầy thuốc đẩy người bệnh vào thế bị ép mua thực phẩm chức năng. Có nhiều người nghèo, tiền mua thuốc điều trị không có, tiền vay bạc hỏi, nhưng phải trả cho những thứ không phải là thuốc. Như trường hợp trên, bệnh nhân phải chi gần 5 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, không có hiệu quả trong điều trị.

Không ai có chứng cứ bác sĩ ăn hoa hồng trên từng toa thuốc và số lượng được bán ra, nhưng dư luận có quyền đặt vấn đề tiêu cực của bác sĩ và của bệnh viện khi để phát sinh những cách làm ăn này.

Xin được hỏi, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê thực phẩm chức năng vào toa thuốc lâu nay, báo chí phát hiện, vậy lãnh đạo bệnh viện có biết không?

Không biết là thiếu trách nhiệm, biết mà im lặng là đồng lõa.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, theo Điều 4, Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29.2.2016 của Bộ Y tế về việc ghi đơn thuốc, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Là bác sĩ, đương nhiên phải biết quy định này, nhưng vẫn cả gan vi phạm, vì đồng tiền mà vi phạm pháp luật và y đức. Pháp lý không mà đạo lý cũng không.

Cho nên, đối với vụ này, cần điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, không thể xuê xoa cho qua.

Thực phẩm chức năng không có gì xấu, nó chỉ xấu khi con người kinh doanh không có đạo đức. Các quy định về sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng có đầy đủ, nhưng nhiều người vì lợi ích mà cố tình vi phạm.

Cũng cần phải nói thêm, hiện nay các loại thực phẩm chức năng sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu là "muôn hình vạn trạng", tốt có nhưng xấu cũng không thiếu. Vậy thì, với trách nhiệm quản lý của ngành, Bộ Y tế cần có biện pháp quản lý nghiêm ngặt, cấp phép công tâm và công khai, đảm bảo chất lượng sản phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm chức năng tung hoành bán hàng chỉ dựa vào một tờ giấy chấp thuận cho quảng cáo của Bộ Y tế.

Đối với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, theo phóng viên Lao Động trong bài Bất thường kinh doanh thuốc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ra ngày 3.6, còn nhiều dấu hiệu sai phạm khác. Đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bac-si-ke-toa-ban-thuc-pham-chuc-nang-mot-loai-hoa-hong-nganh-y-1052506.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.