Tháo những rào cản cuối cùng cho du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, một mặt chúng ta mở cửa bầu trời , tháo các rào cản về dịch tễ, quảng bá điểm đến, tổ chức ngày hội du lịch, xây dựng các sản phẩm - dịch vụ độc đáo... sẵn sàng đón khách quốc tế, nhưng mặt khác chính sách visa lại đang cản trở khách chọn Việt Nam ngày mở cửa trở lại.

Từ khi mở cửa kinh tế trở lại từ cuối năm 2021 và mở cửa du lịch hoàn toàn từ đầu tháng 3 đến nay, chúng ta đã thực hiện tháo một loạt các rào cản để du lịch có thể tăng tốc nhanh nhất, đặc biệt trong bối cảnh các nước ở khu vực cũng cạnh tranh quyết liệt thu hút khách quốc tế. Thế nhưng chính sách visa thì lại hết sức thiếu cởi mở, nói đúng hơn là tụt hậu. So với khi chưa có dịch, chúng ta miễn thị thực cho rất nhiều nước, thời gian xét duyệt visa thông thường là 3 - 5 ngày đối với du khách (visa có thời hạn lưu trú 30 ngày) thì giờ đây, số quốc gia được miễn thị thực bị thu hẹp, thời gian chờ trả lời, xét duyệt không cố định. Thậm chí, có những yêu cầu bất khả thi như đòi hỏi khách phải có bảo lãnh khi nhập cảnh với các nước chưa được miễn thị thực. Hay việc khách lẻ xin visa online thì không cố định thời gian cấp và trả lời chẳng khác nào từ chối đối tượng khách này. Vì ai đi du lịch mà chẳng muốn chủ động về kế hoạch, thời gian, chỗ này khó quá thì thôi họ qua chỗ khác cho rồi.

Đây không phải là lần đầu chúng ta lúng túng, trống đánh xuôi - kèn thổi ngược giữa quan điểm, chủ trương và thực tế. Còn nhớ hồi đầu tháng 3 khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt thì đến sát giờ G, cả cộng đồng doanh nghiệp sau bao ngày chờ đợi lại ngỡ ngàng với những yêu cầu trói chân du khách của Bộ Y tế, như quy định du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc; trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày... Hay việc yêu cầu du khách khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh... Trước đó nữa thì mở cửa nhưng chờ hoài không thấy hướng dẫn từ các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan. Nhìn lại có thể thấy, việc mở cửa du lịch luôn có những rào cản từ chính chúng ta, mà theo cách nói của các doanh nghiệp là “đẩy khách sang nước khác”.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được nhiều quốc gia chọn là mũi nhọn để phục hồi kinh tế bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp. Cỗ máy du lịch hoạt động sẽ kích hoạt một loạt các ngành khác như hàng không, thương mại, lữ hành, hệ thống lưu trú, dịch vụ, sản xuất, xuất khẩu tại chỗ... tăng trưởng. Chủ trương khi mở cửa du lịch của chúng ta cũng là như vậy. Thế nên, hãy tháo bỏ ngay các rào cản còn tồn tại để du lịch có thể đột phát đúng như tiềm năng và kỳ vọng.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.