Người nông dân thiệt đơn thiệt kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong đại dịch, nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế. Hàng thập kỷ qua, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, tiêu, điều...

Ở thời điểm hiện tại, giá gạo của chúng ta đang neo ở mức cao so với nhiều nước. Thế nhưng, đằng sau bức tranh tươi đẹp này thì thu nhập của người nông dân - chủ thể chính trong chuỗi giá trị nông nghiệp lại ngày càng teo tóp.

Năm nay tình hình càng khó khăn hơn. Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục lập đỉnh rồi phá đỉnh trong khi sản phẩm đầu ra chưa bao giờ thê thảm đến thế. Không ai tưởng tượng nổi có ngày, xoài Đài Loan chỉ còn 500 đồng/kg tại vườn mà không ai mua. Tương tự, giá mít, thanh long, dưa hấu… thường xuyên rơi về đáy. Lương thực - thực phẩm nhiều nước khan hiếm nhưng tại thị trường nội địa giá heo hơi, gà và giá thu mua lúa... vẫn thấp.

Nhiều hộ cầm cự không nổi phải bỏ vườn, treo chuồng, thu nhập bấp bênh và bế tắc. Nguyên nhân được đổ cho cơn bão giá lớn nhất trong lịch sử đã và đang càn quét trên khắp các lĩnh vực ngành nghề. Nhưng đó cũng chỉ là một nửa sự thật. Trong chuỗi giá trị nông nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, xuất khẩu nông sản... có lợi nhuận đột biến do đã tận dụng tối đa cơ hội “sóng” giá để lướt. Giá thế giới tăng, chưa tác động đến trong nước thì họ cũng ngay lập tức điều chỉnh giá và bỏ túi món lời lớn. Các doanh nghiệp phân bón tay phải bán cho nông dân giá cao, tay trái đẩy mạnh xuất khẩu để tối đa hóa lợi nhuận. Chẳng ai nghĩ đến chia sẻ với người nông dân, chủ thể sản xuất ra những nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới và cũng chính là khách hàng tiêu thụ vật tư nông nghiệp.

Phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra, nông dân chịu thiệt đơn thiệt kép. Lợi nhuận teo tóp, họ chỉ còn cách duy nhất để tăng thu nhập là tăng sản lượng, không màng chất lượng. Trồng lúa 3 vụ, trái cây nghịch mùa, trồng chặt - chặt trồng... người nông dân chỉ biết lao theo thị trường để rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá, giải cứu hay phập phồng theo cơn mở - đóng cửa khẩu nơi biên giới. Đây cũng chính là lý do dẫn đến việc nhiều người sẵn sàng bán ruộng, bán vườn... Nguồn cơn của tình trạng giới đầu cơ thu gom đất nông nghiệp, làm dự án ma, tách thửa tràn lan, gây ra các cơn sốt ảo rồi bỏ hoang hiện nay.

Mấy năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nội dung này thực ra cũng không phải là mới. Cơ giới hóa nông nghiệp; sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, quy hoạch trồng cây gì nuôi con gì, liên kết 4 - 5 nhà trong đó quan trọng nhất là thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp; xây dựng công nghiệp chế biến... đều đã được nói tới vài thập kỷ nay nhưng những vấn đề lớn của nông nghiệp vẫn còn nguyên. Thậm chí, nông nghiệp hiện đại như nói trên, còn đang tạo ra sự phân hóa và chênh lệch lớn về thu nhập trong chuỗi giá trị mà ở đó, người nông dân thiệt thòi nhất.

Cơm áo thì không thể chờ đợi trong khi những chính sách với nông nghiệp vẫn đang bàn nhiều hơn làm. Và rất khó để nói những lời “hoa mỹ” về chiến lược này, chuỗi giá trị kia nếu cuộc sống, thu nhập, lợi nhuận của người nông dân không được cải thiện trên thực tế.

Theo NGUYÊN KHANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.