Ngăn những cái chết thương tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một tai nạn hy hữu vừa xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, khi một học sinh 8 tuổi đùa giỡn với bạn bị ngã đến chấn thương sọ não. Cũng may, cậu bé đã được cấp cứu kịp thời.

Thoạt nghe tưởng chừng những vụ tai nạn như trên rất hiếm hoi. Nhưng không. Tai nạn như trên được thống kê vào tai nạn thương tích trẻ em và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở lứa tuổi từ 0-15. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 370.000 vụ tai nạn thương tích, gây tử vong cho hơn 3.500 trẻ. Một con số khủng khiếp!

Nguyên nhân thì thiên hình vạn trạng nhưng tỉ lệ tử vong lớn nhất vẫn là đuối nước và tai nạn giao thông. Với đặc điểm nhiều sông hồ, gần biển, canh tác cạnh khu dân cư... nên mỗi năm tại Việt Nam có hơn 2.000 trẻ đuối nước. Con số đau lòng này giảm rất chậm trong nhiều năm qua dù hàng loạt giải pháp đã được triển khai từ trung ương đến địa phương.

Chúng ta có chương trình dạy bơi cho trẻ em được triển khai rất quy mô từ 10 năm trước nhưng đến nay hiệu quả cũng không cao. Ngay tại các thành phố lớn như TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng... học sinh cũng chưa được phổ cập môn bơi lội. Phần lớn các trẻ có kỹ năng bơi lội là được gia đình tự túc cho học từ các câu lạc bộ thể dục thể thao. Các địa phương viện lý do khó tổ chức dạy bơi vì điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, dù kinh phí xây hồ bơi không đáng là bao so với ngân sách địa phương. Mà dù có tốn kém đến mức nào cũng phải làm, bởi kỹ năng này quá quan trọng, liên quan đến sinh mạng của số đông học sinh.

Một nguyên nhân sâu xa khác là chương trình giáo dục bậc tiểu học và THCS quá nặng về truyền đạt kiến thức mà xem nhẹ trang bị kỹ năng, kể cả những kỹ năng mang tính sinh tồn như bơi lội, giao thông, ứng phó với các mối nguy hiểm thường nhật... Không khó để thấy rất nhiều học sinh THPT chưa biết đi xe đạp, thậm chí có em chưa biết cắm nồi cơm điện. Thật khó chấp nhận khi học sinh có thể luận về vật lý vũ trụ nhưng không biết thay một bóng đèn; có thể giải các phương trình toán học phức tạp nhưng chưa bao giờ giúp cha mẹ làm việc nhà...

Các chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được đặt ra nhiều lần và thường xuyên tổ chức hội thảo cấp quốc gia và cả hợp tác quốc tế nhưng số trẻ bị tai nạn tử vong vẫn cao thì cần phải xem lại sự vận hành của các chương trình này. Gần đây nhất, ngày 19-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát "Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội".

Trách nhiệm của từng địa phương là phải thực hiện chương trình trên triệt để và đo đếm kết quả bằng con số thực tế chứ không thể mãi bằng lòng với những giải pháp được đưa vào báo cáo hằng năm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đến lúc này, tỉ lệ tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam vẫn cao gấp 3 lần các nước phát triển. Đằng sau tỉ lệ này chính là cả ngàn sinh mạng.

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.