Mua bán tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thời gian dài đình trệ vì đại dịch, đợt cao điểm du lịch nội địa nhân dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 dường như là một kiểm nghiệm đáng giá cho du lịch Việt Nam về cơ hội phục hồi hậu Covid-19.

Và kiểm nghiệm đáng giá là về chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch. Liệu khi đối mặt với áp lực phục vụ cao điểm, một ngành chịu nhiều tổn thương vì đại dịch như du lịch có tìm lại chính mình trong thể hiện giá trị nghề nghiệp, hay lại vẫn cứ “tái phát” những chứng bệnh cũ? Nhất là vấn nạn mua bán chụp giựt, tranh thủ “chặt chém” du khách bất cứ lúc nào có thể? “Chặt chém”, chèn ép du khách mà quên mất ngành du lịch những ngày im ắng vì đại dịch đã từng phải mong đợi du khách đến mức nào, đã từng chắt chiu cơ hội đón từng người khách đến mức nào…

Sự tử tế phải là điều đáng giá nhất mà tất cả chúng ta cần phải học sau thời gian trải nghiệm thử thách của đại dịch. Kinh doanh cũng cần học bài học tử tế ấy. Chúng ta không cần phải chạy theo những tiêu chuẩn cao xa nào để thực hành mua bán tử tế. Người bán chỉ cần nghiêm túc thực hành việc niêm yết giá công khai, đảm bảo người mua biết rõ trước khi quyết định mua hàng. Người mua cũng cần hỏi rõ giá cả để tránh sập bẫy “chặt chém”, và khi đã quyết định mua hàng thì có trách nhiệm với quyết định của mình.

Trên thương trường, chuyện một món hàng cùng tên nhưng giá cả rất khác nhau chẳng có gì lạ. Chất lượng dịch vụ và các giá trị gia tăng kèm theo mặt hàng có thể là lý do để người bán định giá bán ra thị trường. Không phải cứ bán giá cao hơn thì phải chịu tiếng là làm ăn không đàng hoàng, mua bán không tử tế. Nhưng cái cảm giác về bên bán làm ăn không đàng hoàng có thể đến từ việc không niêm yết giá hoặc không tư vấn rõ ràng cho khách trước khi mua hàng.

Những yêu cầu về tính minh bạch trong quá trình giao dịch mua bán cần phải được cơ sở kinh doanh coi trọng như niêm yết giá công khai, tư vấn cho khách về giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giám sát việc cân đếm sản phẩm... Tại sao khi bán một chai rượu vang ở nhà hàng, nhân viên phải thực hiện việc trình nhãn rượu cho khách, mời chủ tiệc nếm thử rượu trước khi phục vụ? Tại sao khi cân đếm hải sản tươi sống, nhà hàng phải đề nghị khách chứng kiến? Làm như vậy, cơ sở kinh doanh không chỉ giúp khách an tâm mua hàng mà còn giúp chính cơ sở kinh doanh tránh được những rủi ro truyền thông không đáng có do hiểu lầm từ khách hàng.

Trong sâu xa giá trị của mình, ngành du lịch luôn phải hướng đến sự hiếu khách và hành xử tử tế với du khách. Đó là phần quan trọng làm nên một trụ cột của phát triển du lịch bền vững. Mua bán tử tế cần được chủ cơ sở kinh doanh tự giác thực hành như tiêu chuẩn sống còn. Chính quyền cũng cần nghiên cứu thể chế hóa tiêu chuẩn kinh doanh tử tế để xây dựng và bảo vệ môi trường du lịch thật sự văn minh. Du lịch cần tìm lại đà phục hồi hậu Covid-19 trước hết bằng sự tử tế trong kinh doanh.

Theo Nguyệt Huỳnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.