"Lót tay" khi làm sổ đỏ và câu chuyện "tham nhũng vặt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một con số khá “sốc” vừa được công bố: tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)


Con số thống kê trên được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức.

So với năm 2020, con số này cao hơn, tức là số người dân phải chi lót tay làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cao hơn; năm 2020 là 32%, còn năm 2021 là từ 40 đến hơn 90%.

Năm 2018, con số này mới chỉ là 15%.

Đáng chú ý hơn, tình trạng phải chi lót tay này lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Qua con số trên mới thấy một thực tế, đó là các tỉnh luôn chủ trương xuyên suốt là cải cách hành chính, để giảm phiền hà, giảm thủ tục cho dân, để phục vụ tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng dân phải chi “lót tay” lại tăng lên.

Rất lạ. Vì sao lại thế?

Theo đánh giá chung, năm 2021 thủ tục và dịch vụ hành chính công liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều nhiêu khê.

Dễ thấy một điều rằng, mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như "một cửa, một dấu”, "một cửa liên thông”, "tất cả vì sự hài lòng của người dân”... nhưng thực tế người dân phải tốn rất nhiều tiền cho các “phí” không có trong giấy tờ sổ sách, phí “lót tay”.

Theo phản ánh của người dân, có đủ các kiểu mà người dân phải gặp khi đi làm các thủ tục giấy tờ nhà đất. Vậy nên, để cho nhanh và tránh các phiền toái nảy sinh, không còn cách nào khác, người dân đành phải... “lót tay”, đành phải “chung chi”.

Cách làm có tính phổ biến nhất thường được một số cán bộ biến chất áp dụng là yêu cầu... “bổ sung hồ sơ”, kéo dài thời gian xử lý. Người dân đến hỏi bổ sung cái gì thì các cán bộ biến chất trả lời qua loa, không tận tình hướng dẫn.  

Tình trạng chi “lót tay” để  làm thủ tục hành chính không phải lần đầu tiên được đề cập đến mà đã rất nhiều lần trong những năm trước kia. Bộ trưởng Bộ TNMT cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương “tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Tuy nhiên, đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí tỉ lệ số người dân phải chi “lót tay” lại tăng lên như con số vừa công bố.

Và những cán bộ biến chất, ngửa tay lấy tiền “lót tay” của người dân theo con số thống kê trên chính là những người “tham nhũng vặt”.

Đã gọi là “tham nhũng vặt” tức là mức độ tham nhũng đang còn… nhẹ, ít người “soi”, ít bị xử lý, chính vì tâm lý đó nên các cán bộ biến chất có cơ hội tồn tại và thậm chí phát triển. Và họ biến thành những “con sâu” đang ngày ngày đục khoét vào niềm tin của người dân.

Một con số cũng đáng lưu ý trong chỉ số PAPI 2021, đó là chưa tới 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng chống tham nhũng.

Thông điệp và chủ trương xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này chính là cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những “rào cản”. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, mục tiêu trong năm 2022 là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác này, vào cuộc mạnh mẽ, "đã nói phải làm", cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần nhìn nhận lại đúng thực chất vấn đề, vào cuộc khách quan, nghiêm túc để thanh lọc bộ máy hành chính. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh, quyết liệt thì việc “tham nhũng vặt” qua việc phải “lót tay” lại càng sinh sôi nảy nở; và câu chuyện tham nhũng lại như căn bệnh ung thư, tiếp tục di căn trong lòng xã hội.

Hãy đặt quyền lợi người dân lên trên hết, đừng làm tội dân.

https://laodong.vn/ban-doc/lot-tay-khi-lam-so-do-va-cau-chuyen-tham-nhung-vat-1043471.ldo
 

Theo LÊ PHI LONG (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.