Không thể để các băng nhóm khủng bố đòi nợ thuê lộng hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các băng nhóm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê quá lộng hành, coi thường luật pháp, dọa nạt khủng bố người lương thiện.

 

 Xã hội đen tạt chất bẩn đòi nợ thuê quán phở Hòa. Ảnh: LĐO
Xã hội đen tạt chất bẩn đòi nợ thuê quán phở Hòa. Ảnh: LĐO


Đào Mộc Mộng Hằng - một phụ nữ 43 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM - cho biết, những ngày qua, có nhiều người đến nhà chị khủng bố đòi nợ, thậm chí dọa giết. Chị rất sợ hãi, xáo trộn sinh hoạt, mất ăn mất ngủ vì bị đập phá nhà cửa.

Những cuộc gọi và tin nhắn khủng bố càng đáng sợ hơn. Không mở máy điện thoại thì không thể làm việc, mở máy lại hứng những cơn mưa tin nhắn "chết chóc".

Kẻ khủng bố bắt chị trả món nợ mà chị không phải là người vay. Người vay chính là chồng cũ của chị đã ly hôn 6 năm.

Gần đây, các băng nhóm đòi nợ thuê đi đòi nợ theo kiểu này. Chỉ cần người vay nợ có quan hệ với ai đó mà bọn chúng cho rằng là người có tiền, thì sẽ tấn công ngay lập tức. Vụ điển hình nhất là băng nhóm khủng bố, đòi nợ chủ quán phở Hòa ở TPHCM, khiến chủ quán bắt buộc phải đóng cửa.

Người có vay nợ, có "ân oán giang hồ" với tín dụng đen bị khủng bố đã đành, còn người lương thiện vô can cũng bị khủng bố đòi tiền, quá ngang ngược.

Có trường hợp nhân viên đi vay nợ, xã hội đen khủng bố giám đốc bắt phải trả tiền thay nhân viên.

Với cán bộ nhà nước, dân đòi nợ thuê cũng không sợ. Chuyện mới xảy ra, Chủ tịch UBND một huyện ở tỉnh Kon Tum đang bị một số đối tượng khủng bố, bôi nhọ danh dự gây áp lực để buộc ông H.V.N - cán bộ xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum - trả tiền. Có nghĩa là cán bộ xã vay nợ thì xã hội đen tấn công cán bộ huyện.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - cho hay, từ ngày 1.12.2020 đến nay, Công an TPHCM xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa liên quan đến các đối tượng hoạt động tín dụng đen, giảm 32,22% so với thời gian cùng kỳ.

Nhưng xử lý, ngăn chặn, triệt phá như thế nào để không còn tình trạng khủng bố người dân lương thiện, đó mới là điều mà người dân cần.

Người dân sống trong đất nước có pháp luật, có chính quyền, có công an, nhưng lại bị những băng nhóm tội phạm đòi nợ khủng bố như vậy là điều không thể chấp nhận được.

Thành phố đáng sống, đất nước đáng sống không chỉ là nhiều của cải vật chất mà quan trọng nhất là có môi trường sống an toàn và bình yên.

Côn đồ lộng hành, tấn công nhà dân ngay giữa đô thị thì quá bất an và chứng tỏ sự yếu kém trong quản lý.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-the-de-cac-bang-nhom-khung-bo-doi-no-thue-long-hanh-996039.ldo
 

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.