NÓI THẲNG: Như thế là thách thức kỷ cương phép nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ đầu tư công trình biệt thự số 09 và những người liên quan không những không biết sửa sai mà còn đang cố tình đi từ vi phạm này đến cái sai khác.

 

 Biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội)


Những vi phạm tại công trình biệt thự số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) diễn ra đã khá lâu, tới gần 9 tháng nay.

Theo đó, ngay từ trung tuần tháng 3-2021 và sau đó, lực lượng chức năng của quận Cầu Giấy đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với công trình số 09, lô B khu biệt thự 5,2 ha, với các vi phạm: Tổ chức thi công xây dựng sai so với giấy phép được cấp, mật độ đã xây dựng khoảng 45%; xây dựng thêm tầng hầm diện tích khoảng 150 m2 ngoài hồ sơ được cấp phép; thi công mái tầng 1 diện tích 150 m2, vượt khoảng 75 m2 so với hồ sơ được cấp phép; vi phạm cam kết với các hộ liền kề về việc bảo đảm độ lùi công trình nhỏ nhất là 1,5 m tính từ ranh giới đất; vi phạm thiết kế nhà biệt thự đơn lập, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu biệt thự 5,2 ha Yên Hoà; không bảo đảm biện pháp an toàn khi thi công công trình gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của các công trình liền kề.

Cơ quan chức năng đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần công trình vi phạm và thực hiện theo đúng nội dung giấy phép xây dựng do UBND quận Cầu Giấy cấp ngày 12-11-2020 (quy mô xây dựng 3 tầng, mật độ xây dựng 25,2%)…

Điều lạ lùng và không bình thường là chủ đầu tư công trình không những không chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan chức năng mà vẫn tiếp tục tổ chức thi công, hoàn thiện công trình. Sai phạm và ngoan cố như thế nhưng chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước sở tại không có biện pháp hữu hiệu để giám sát, xử lý dứt điểm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng.

Bức xúc, bất bình, người dân phải viết đơn gửi tới chính quyền địa phương, các cơ quan ở trung ương để phản ánh, đề nghị có biện pháp thực hiện nghiêm pháp luật. Báo chí cũng đã vào cuộc phản ánh, chỉ rõ những vi phạm cũng như đặt vấn đề phải xử lý nghiêm để giữ gìn kỷ cương phép nước.

Thế nhưng, mọi việc dường như rơi vào im lặng (?!)

Đến nay, chủ công trình số 09 lô B khu biệt thự 5,2 ha vẫn tổ chức người thi công một cách công khai, không cần che dấu. Mới nhất, ngày 2-12 vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến hiện trường tìm hiểu, ghi nhận việc thi công vẫn tiếp diễn. Thậm chí, phóng viên còn bị một số người từ công trình xông ra cản trở, xúc phạm, đe dọa khi đang tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Với những gì đã và đang diễn ra tại khu trung tâm của TP Hà Nội, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao không thể xử lý dứt điểm hành vi sai phạm? Vì sao công trình vẫn tiếp tục được thi công khi đã có quyết định đình chỉ? Trách nhiệm và năng lực của cơ quan hữu trách, chính quyền sở tại thế nào; họ không biết hay đã biết nhưng vì, tại, do…?

Tại Hà Nội, dư luận từng bức xúc và bất bình trước những vi phạm nghiêm trọng xây dựng tại công trình 8B Lê Trực. Dù phải mất nhiều thời gian, sự chỉ đạo từ Chính phủ, cuối cùng những vi phạm tại công trình "nổi tiếng" 8B Lê Trực đã bị xử lý, khắc phục.

Vậy, những vi phạm tại công trình số 09 lô B khu biệt thự 5,2 ha sẽ thế nào?

Dư luận đang chờ câu trả lời và động thái của chính quyền quận Cầu Giấy, TP Hà Nội nhằm thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

 

Ai là chủ công trình "tai tiếng"?

Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, chủ đầu tư công trình số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha) là ông Phạm Văn Duyên (SN 1960) và bà Vũ Thị Thu Hà (địa chỉ tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình). Ông Phạm Văn Duyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH Duyên Hà (công ty chuyên sản xuất xi măng).

Phan Đăng; đồ họa: Nguyên Lâm
(Dẫn nguồn  NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.