Lo cho dân ấm no, hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” tổ chức hôm 6-12 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Viết Chung/SGGPO
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Viết Chung/SGGPO

Nhanh chóng thích ứng để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát là yêu cầu bức thiết hiện nay. Tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ấn tượng 7,02% của năm 2019 cũng như mức tăng trưởng 6,8% bình quân của cả giai đoạn 2016-2019 và vẫn tiếp tục đà suy giảm đến hết quý III năm nay. Sau gần 2 năm chống dịch, nền kinh tế bị thiệt hại khoảng 37 tỷ USD, chưa kể hàng trăm ngàn doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao. Cú sốc tăng trưởng âm của nền kinh tế có lẽ là điều không mong muốn lớn nhất sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng là việc mà lãnh đạo đất nước phải dũng cảm đối diện. Bởi cú sốc ấy lại có giá trị cảnh báo về thực lực, khả năng điều hành và quản trị quá trình chuyển đổi không đủ tốt-nguyên nhân khiến nền kinh tế dễ dàng lao dốc khi gặp biến cố.

Trên tinh thần xem người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của quá trình chuyển đổi, phục hồi kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những tác động của đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động, giải pháp đặc biệt. Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, bình yên.

Lo cho dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là trách nhiệm mà Chính phủ là người phải đứng mũi chịu sào. Theo Thủ tướng, trước mắt cần phải tập trung nâng cao năng lực y tế, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, phát huy tối đa nguồn lực con người, xây dựng hạ tầng chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… Chú trọng phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Việt Nam không có một chương trình hỗ trợ đủ lớn sẽ “lỡ nhịp” xu hướng phục hồi kinh tế của thế giới. Khi ấy, tăng trưởng năm 2022 có thể chỉ đạt 4-4,5% mà không phải là 6,5% như mục tiêu Quốc hội đã thông qua. Theo đó, nền kinh tế đất nước đang cần một gói hỗ trợ khoảng 445 ngàn tỷ đồng, được phân chia thành 3 giai đoạn: kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình sau 2 năm triển khai.

Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế đất nước khi chúng ta tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách thì chưa đủ, mà phải thực sự quyết liệt về nguồn lực. Bên cạnh đó, cần củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn, nhất là về công nghệ sáng tạo, giáo dục, thu hút nhân tài.

Có gói hỗ trợ đủ lớn để tiếp sức trực tiếp cho các chương trình về tài khóa, tiền tệ, y tế, an sinh xã hội, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp và người lao động sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, gắn với “phục hồi số” và “phục hồi xanh”, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đề ra.

 

ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.