Chống dịch không có ranh giới hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Yêu cầu phòng dịch trong giai đoạn bình thường mới chắc chắn đòi hỏi những phương cách ứng phó sáng suốt hơn, hiệu quả hơn dựa trên bài học kinh nghiệm đã rút ra từ đợt dịch thứ tư.

Mới đây TP.HCM chọn cách làm rất đáng hoan nghênh để triển khai phòng dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Từ 10.12, những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao đến khám chữa bệnh ở TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin bổ sung, không phân biệt là người thuộc địa phương nào.

Dịch bệnh có phân biệt địa giới hành chính đâu mà các nhà quản lý lại sa vào lối suy nghĩ chỉ chịu trách nhiệm trên phạm vi ranh giới hành chính được phân công. Lối suy nghĩ này có thể thông cảm được ở giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng trên thực tế việc triển khai phòng dịch theo lối suy nghĩ đó đã dẫn đến tình trạng phân mảnh nguồn lực chống dịch, tạo ra nghịch cảnh mỗi địa phương chống dịch mỗi kiểu.

Chỗ nào cũng khư khư lo bảo vệ chỗ mình nên dẫn đến không ít chuyện hành xử bất cập, phản cảm mà chúng ta từng biết. Tỉnh thành này không cho người tỉnh thành kia đến, nếu đến thì phải cách ly tập trung, hoặc phải cách ly ở nhà và treo biển cảnh báo. Tiếp cận vắc xin cũng vì thế mà không đạt được phương án tối ưu. Chỗ dịch đang rất cấp bách thì không đủ vắc xin để tiêm, nhưng chỗ chưa cấp bách vẫn cứ lo xí chỗ giữ phần.

Cứ tư duy kiểu đó, khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới, dù người dân đã được tiêm vắc xin nhiều rồi, nhưng nền kinh tế vẫn khó xoay trở để tìm đà khôi phục khi mà não trạng “trách nhiệm theo ranh giới hành chính” vẫn cứ tự sinh sôi những quy tắc bất thành văn ở nhiều địa phương. Lối tiếp cận theo kiểu hành chính đó đã xúc tác cho nhiều rủi ro khác về sức khỏe và tính mạng người dân, đi ngược với truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt. Và hơn thế, nó làm cho tiến trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới trở nên khó khăn hơn.

TP.HCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối, nơi cung cấp cơ hội khám và điều trị các ca bệnh nặng. Người các nơi đổ về TP.HCM để tìm cơ hội điều trị là nhu cầu thiết yếu. Chẳng lẽ TP.HCM sẽ nhắm mắt làm ngơ không tiêm bổ sung vắc xin Covid-19 cho người dân để bảo vệ họ chỉ vì lý do họ không phải là người thuộc địa bàn TP.HCM.

Nhìn rộng ra, chẳng lẽ khi các trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM gọi sinh viên quay lại trường để học tập bình thường, sẽ có sinh viên chưa kịp tiêm vắc xin ở quê nhà sẽ không được tiêm bổ sung chỉ vì là người của tỉnh thành khác? Tương tự là với du khách.

Chúng ta cần một cách tiếp cận khác, cần lối suy nghĩ khác cho cách ứng phó Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới. Đã đến lúc gạt bỏ tư duy theo ranh giới hành chính ra khỏi kế hoạch phòng dịch để người dân dù đang ở đâu trên đất nước mình cũng được bảo vệ. Đó xem ra là một trong những tiền đề xã hội quan trọng để mọi thứ sớm đạt được trạng thái bình thường mới.

 

Theo HUỲNH VĂN THÔNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.