Phải biết "nhỏ lệ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thật bất ngờ, bất ngờ đến mức khó tin: Vào thời điểm cuối tháng 10.2021, gần 2 năm ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, ở một tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế để điều trị căn bệnh này.
Đó là hiện trạng ở tỉnh Đắk Lắk, một tỉnh khá đông dân, và vào thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ được tiêm vaccine còn thấp.
Nói thiếu, e chưa chuẩn. Phải nói là chưa được cung cấp, bổ sung đủ cơ số, chủng loại phương tiện như tinh thần “chủ động”, “tại chỗ”. Truyền thông dẫn lời bác sỹ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên và lãnh đạo ngành y tế địa phương, cho hay, từ thuốc đặc trị, máy thở, máy lọc máu đều chưa được cung ứng, cung cấp. Nguyên nhân chính là chưa xong thủ tục đấu thầu hoặc mắc mớ trong quy định chào giá cạnh tranh. Nguồn nhân lực cho quy mô 90 giường bệnh cũng thiếu, chưa tính đến nguồn dự phòng nếu quy mô tăng lên 500 giường bệnh.
Thực trạng đó chắc hẳn không chỉ riêng Đắk Lắk.
Phòng chống dịch  COVID-19, lấy việc kiểm soát, phòng tránh, hạn chế lây lan làm trọng. Khâu điều trị có tính quyết định trong việc giảm số ca nặng, ca tử vong. Thiếu thuốc đặc trị, các thiết bị thiết yếu và nguồn nhân lực có chuyên môn, khác nào kẻ không biết bơi tay không đi cứu người đuối nước!
Vấn đề tiên liệu diễn biến dịch bệnh, chủ động kịch bản ứng phó đi liền với chủ động nguồn nhân lực, thiết bị, thuốc men đã được đặt ra từ giai đoạn đầu mùa dịch; sớm hơn nữa, từ những trận dịch nhiều năm trước. 
Hồi đầu năm 2020, khi TP. Hồ Chí Minh mới xuất hiện những ca mắc COVID-19 đơn lẻ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khi ấy đã cảnh báo bằng việc dẫn thực tế điều trị 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy huy động nhân lực cả một khoa, liên tục 3 ca/ngày. Ông đặt ra tình huống, nếu phải điều trị 100 người, 1.000 người… "Đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người là không thể giống nhau được”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Lời cảnh báo của vị Bí thư Thành ủy Thành phố gần 2 năm trước có vẻ không mấy hiệu lực, nếu nhìn vào diễn biến công tác phòng chống dịch của thành phố giai đoạn vừa qua. 
Các nhà khoa học cảnh báo, sau COVID-19, sẽ xuất hiện chủng virus nguy hiểm hơn, sức hủy diệt khủng khiếp hơn. Mới đây, vị Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới-WHO, ngài Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lưu ý: “Một điều chắc chắn về mặt sinh học là, tại một thời điểm nào đó, một virus mới có thể xuất hiện và chúng ta đơn giản là không thể ngăn cản nó”.
Dĩ nhiên là không thể ngăn cản việc nó xuất hiện. Nhưng, có thể làm giảm hậu quả mà nó gây ra, bằng biện pháp căn cơ, khoa học; bằng chủ động phát hiện cơ chế dịch tễ học để phòng tránh và điều trị; bằng việc chủ động vaccine, thuốc men cùng đội ngũ y tế có chuyên môn, phương tiện thiết bị đủ ứng phó với kịch bản xấu nhất…
Sống chung với dịch COVID-19 là cách tiếp cận tích cực, không có chỗ cho sự sợ hãi, co cứng, nhưng cũng không chấp nhận sự chủ quan, lơ là, coi thường mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, dẫn đến chậm trễ trong công tác dự báo, dự phòng và ứng phó.
Phải biết “nhỏ lệ” để không lặp lại tình huống xấu nhất.
UÔNG NGỌC DẬU (LĐO)

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-biet-nho-le-969281.ldo

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.