Sự hy sinh vô giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 "Anh, chị, em đã phải xa con thơ, cha mẹ già yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh, chị, em mặc kín bộ đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân...

Những hình ảnh và nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương và trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân TP HCM"...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã nói như vậy tại lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào sáng 6-10. Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM đã trao tặng bằng khen cho 43 tập thể cùng 124 cá nhân nhận huy hiệu của TP HCM.

Suốt hơn 1 năm rưỡi qua, trong cuộc chiến chống đại dịch, đã có nhiều tấm gương tỏa sáng. Nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, thành, bộ - ngành tuyên dương, khen thưởng. Đó là sự ghi nhận công lao, kịp thời động viên những chiến sĩ tuyến đầu và lan tỏa cái đẹp trong toàn xã hội.

Tính đến ngày 30-9, tổng lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM là 187.275 người. Trong đó, tổng số nhân lực của các bộ - ngành trung ương hỗ trợ TP HCM là gần 29.000 người. Họ thực sự là những chiến binh, những anh hùng trên mặt trận mới. Phía sau mỗi người đều có gia đình, người thân đang rất cần họ, họ vẫn gác lại để đi vào cuộc chiến chống đại dịch. Bản thân chịu đựng khó khăn, gian khổ vẫn không sờn lòng. Và rồi không ít người trong số họ lại nhiễm bệnh, hy sinh cả tính mạng của mình để người khác được trở về cuộc sống. Đó là mất mát không gì bù đắp nổi với các ban - ngành, đoàn thể, địa phương, với thân nhân của họ, song đó cũng là những hy sinh vô giá, sự quên mình cao cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Hơn ai hết, họ cho thấy rằng trong khó khăn, hoạn nạn càng cần sống đẹp giữa đời. Những tấm gương vì người bệnh, vì nhân dân luôn ở lại giữa lòng người. Chính sự hy sinh đó đem lại nhiều thông điệp về cuộc sống, từ lằn ranh mong manh của tử sinh đến cuộc chiến để giữ lại hơi thở cho từng người bệnh. Trong những khoảnh khắc ấy, sự vị kỷ của người đời đều trở nên vô nghĩa mà hẳn ai cũng nhủ lòng sống sao cho tử tế khi được làm người.

Ngày 16-8-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi", mời bạn đọc tham gia bằng việc kể về những tấm gương sáng, những câu chuyện đẹp trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là những cá nhân, tập thể y - bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Sau đó không lâu, ngày 9-9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch Covid-19. Đó là việc phải làm để kịp thời hỗ trợ cho những người ở tuyến đầu, tiếp thêm sức mạnh bằng cả vật chất lẫn tinh thần để họ trụ vững, giữ ngọn lửa tâm huyết yêu nghề.

Sự tuyên dương của lãnh đạo TP HCM lần này càng thể hiện sự trân trọng những người đang xung kích nơi tuyến đầu, tiếp thêm niềm tin vào sức mạnh của ý chí, tình cảm người dân Việt Nam trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, luôn biết hy sinh vì đất nước, cộng đồng. Đó cũng là niềm tin sẽ sớm đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo HIỀN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.