Sóng và máy tính cho em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tinh thần “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp phát động trên cả nước nhằm hỗ trợ hoạt động dạy và học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là chương trình hết sức thiết thực dành cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ chuyện 2 nữ sinh nghèo xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) phải cuốc bộ đến một địa điểm cách nhà 5 km để dựng lều đón sóng 3G học online hồi tháng 9-2020. Đây là câu chuyện rất xúc động. Trên thực tế vẫn còn nhiều học sinh không thể kết nối internet và không có thiết bị công nghệ để học trực tuyến. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ra đời từ thực trạng đó.

Hiện nay, tỉnh ta cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nhanh chóng triển khai chương trình. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 1-10, toàn tỉnh có 323.928 học sinh phổ thông, trong đó có 171.556 em không có thiết bị học trực tuyến, chiếm hơn 52%. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến khó lường, học trực tuyến là trải nghiệm mới mẻ và tất yếu đối với học sinh vùng giãn cách xã hội. Thử hình dung, nếu không có kết nối internet và các thiết bị công nghệ, hơn 1/2 số học sinh phổ thông toàn tỉnh có thể sẽ phải gián đoạn việc học. Các em sẽ làm gì trong khoảng thời gian chờ đợi cắp sách đến trường?  

Để đáp ứng nhu cầu kết nối, phục vụ việc học trực tuyến, Gia Lai cần hoàn thành phủ sóng 100% các điểm chưa kết nối internet di động trên địa bàn trong năm 2021; triển khai hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí thực hiện do các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ triển khai theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, một nội dung cũng quan trọng không kém là vận động hỗ trợ thiết bị công nghệ (máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh) để giúp học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện học tập trực tuyến. Để thực hiện đòi hỏi có sự vào cuộc của các ngành, địa phương và sự tích cực tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc hỗ trợ hiện vật, kể cả thiết bị cũ còn sử dụng được. Trong trường hợp nguồn kinh phí huy động không đủ, tỉnh sẽ xuất ngân sách hỗ trợ. Xác định đây là kế hoạch dài hạn, chương trình được thực hiện trong 3 năm: năm 2021 khởi động từ ngày 24-9 đến 30-10; năm 2022, 2023 tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh được trang bị thiết bị công nghệ để học tập trực tuyến.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Vận động chương trình-cho hay: Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát nội dung các chương trình học trực tuyến, hướng dẫn và thống nhất sử dụng phần mềm dạy-học trực tuyến. Công đoàn ngành Giáo dục cũng đã phát động, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tham gia ủng hộ chương trình. Đến nay, một số đơn vị đã đăng ký ủng hộ như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum, Sở Tài chính, Sở Công thương... Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ngoài việc vận động các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và ủng hộ thiết bị, Sở còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập tổ tiếp nhận máy tính, các thiết bị công nghệ và tham gia sửa chữa để hỗ trợ học sinh, sinh viên.   

Nhìn lại con số thống kê sau đây cũng có thể thấy ngành Giáo dục cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: 2 năm học qua, khoảng 22 triệu học sinh phải chuyển sang học online; đến cuối tháng 9-2021, vẫn còn 38 tỉnh, thành đang dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Trong lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chương trình là giải pháp tình thế nhưng cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay.

 Thiết nghĩ, việc chung tay hỗ trợ chương trình để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt nhất là trách nhiệm không của riêng ai. Điều này còn có ý nghĩa thiết thực, lâu dài, giúp các em chủ động tiếp thu và tìm kiếm tri thức. Được hỗ trợ để không bị gián đoạn việc học, các em ý thức đầy đủ mình đã được xã hội quan tâm giúp đỡ như thế nào cũng như sự ấm áp của tinh thần tương thân tương ái. Thật ý nghĩa khi khởi động một tuần mới bằng sự chia sẻ, cho đi để góp phần xây dựng một xã hội học tập, qua đó, thúc đẩy phát triển xã hội số trong thời gian tới.

 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.