Kỳ vọng vào những quyết sách của Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO) - Ngày 20-10, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 2. Kỳ họp được tổ chức trong bối cảnh đất nước vừa trải qua những tổn thất nặng nề sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư tại hầu hết tỉnh, thành, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy, kinh tế quý III tăng trưởng âm, hàng triệu lao động mất việc làm, không có thu nhập, nhiều người phải sống nhờ vào trợ cấp của Chính phủ và cộng đồng. Covid-19 thực sự là cơn lốc cuốn đi thành quả của nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương trong nỗ lực phấn đấu vì cuộc sống sung túc hơn, đất nước ngày càng vững mạnh, hưng thịnh hơn.

Vì thế, đồng bào và cử tri kỳ vọng Quốc hội sẽ có cái nhìn chính xác về tình hình của đất nước, nhất là những khó khăn thực sự đang trải qua, để từ đó hoạch định sát nhất, đúng nhất những mục tiêu, giải pháp phát triển trong năm tới. Cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, biến những dòng nghị quyết nóng hổi tâm can, trí tuệ của Đảng thành cơm áo, mang hạnh phúc đến với mỗi gia đình người dân như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau khi Đại hội kết thúc.

  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ tại kỳ họp thứ nhất (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội thực hiện nghi thức chào cờ tại kỳ họp thứ nhất. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Tại kỳ họp này, Chính phủ chuẩn bị hơn 50 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình Quốc hội, trong đó có 7 dự án luật, 16 tờ trình, báo cáo trình bày tại hội trường và hàng chục báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu.

Quốc hội sẽ xem xét nhiều báo cáo quan trọng như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng-chống dịch Covid-19; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 (trong đó có việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Cùng với đó là các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng-chống tham nhũng; công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2021… Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội. Trước thực tế đó, Quốc hội đã có những quyết định chưa có tiền lệ, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm quyền chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thể hiện sự đồng hành với Chính phủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, các ngành, cử tri cả nước.

Ngay tại kỳ họp này, Quốc hội cũng chủ động đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động như kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp, làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật, làm việc ngoài giờ, làm thêm vào buổi tối để rút ngắn thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, Quốc hội không rút bớt thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trên hội trường. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của cử tri cả nước trong bối cảnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng-chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.

Với những gì đã chuẩn bị, nhất là khi trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, đồng bào và cử tri cả nước kỳ vọng tại kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội sẽ thông qua những quyết sách quan trọng với chất lượng cao, thể hiện sự chủ động, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ trong việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước.

 

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.