Xử nghiêm để giữ an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này ở TP HCM khi ra đường, cứ nghĩ đường vắng là dễ chạy xe. Nhưng không, nhiều người chạy xe rất ẩu.

Không chỉ thanh niên trai tráng mà không ít phụ nữ, người có tuổi... cũng thản nhiên vi phạm luật lệ giao thông.

Đèn đỏ mà không có bóng CSGT đứng chốt là cứ vượt ào ào. Vi phạm nhiều nhất là những người giao hàng. Có lẽ họ nghĩ mình khoác chiếc áo nhận diện ngành nghề thì có quyền được chạy nhanh hay vi phạm thì cũng được chiếu cố, du di. Chỉ giao lộ nào có bóng dáng CSGT mới thấy mấy người giao hàng này chịu khó dừng xe chờ đèn. Đúng là bàn tay không thể nắm chặt suốt ngày được. Các lực lượng ở một số chốt trực, chốt kiểm soát cũng không thể trực chiến 24/24 giờ và có lúc lỏng lẻo. Cũng có lúc họ mềm lòng khi nghĩ tới gia cảnh của những người vi phạm, phải cực nhọc mưu sinh trong những ngày dịch diễn biến phức tạp nên chỉ nhắc nhở rồi cho qua. Nhưng không phải vì vậy mà những người vi phạm lờn mặt, tạo thành thói quen xấu trong lúc tham gia lưu thông trên đường phố.

Khi chính quyền TP HCM thêm một số đối tượng được phép đi lại trên đường trong khung giờ từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, bỗng dưng nhiều ngả đường thành phố đông đúc thêm lên, nhưng số người tăng thêm lại không phải là những người thuộc diện được phép ra đường. Rõ ràng, đã có tình trạng "té nước theo mưa", ra đường để làm những việc riêng, vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Tại một số tuyến đường vẫn có người bày bán một số món hàng ăn sáng (xôi, trước cổng chung cư cũ, cụ già ngồi bán) hay bánh mì (góc ngã tư), theo kiểu "đánh nhanh rút gọn". Có lẽ lực lượng chức năng biết, song không làm mạnh tay. Từ đó, những ngày qua ở một số nơi, chợ tự phát bùng lên, bày bán trong khung giờ sớm mai với lối nghĩ lúc này lực lượng chức năng đã rút về nhà nghỉ ngơi, chỉ còn ít người giữ chốt; cứ liều buôn bán, cơ quan chức năng có thể sẽ nương tay (?)...

Đành rằng, người nghèo trong đại dịch sẽ càng khó khăn hơn, song TP HCM bảo đảm không để cho một ai phải thiếu đói. Giữ khoảng cách an toàn giữa người với người, gia đình cách ly với gia đình... theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng mới có thể phòng chống dịch hiệu quả. Kéo nhau ra đường tấp nập, chạm mặt nhau khi họp chợ càng tăng thêm nguy cơ dịch lây lan, khó kiểm soát và nguy hiểm hơn nhiều. Do đó, phải quyết liệt dẹp ngay các chợ tự phát, xử phạt các trường hợp ra đường không có lý do, công việc chính đáng. Những trường hợp đã vi phạm rõ ràng mà còn cãi cọ, chống đối thì áp dụng tình tiết tăng nặng để răn đe. Cơ quan chức năng cũng truy xuất camera để xử phạt những người vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông.

Trong quản lý xã hội, thực hiện các chủ trương, bao giờ ý thức của con người cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả, tiến độ, thành công. Nhưng khi người thi hành thiếu ý thức thì phải xử lý bằng các biện pháp mạnh tay, tương xứng hành vi vi phạm, thái độ cầu thị hay ngoan cố. Phải siết chặt quản lý địa bàn mới ngăn chặn dịch thành công, nhất là những thời điểm có tính quan trọng để khống chế, kiểm soát dịch.

Việc gì đáng làm chặt chẽ thì bằng mọi giá phải làm, phải giữ, bởi sự lơ là nào cũng luôn phải trả giá rất đắt, nhất là với đại dịch Covid-19.

Theo THÔNG ĐẠT (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.