Trận đánh lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TP.HCM bước vào 'trận đánh lớn cuối cùng' với mệnh lệnh cho tất cả người dân 'ai ở đâu ở yên đó' cùng sự hỗ trợ của nhiều lực lượng y tế, quân đội, công an trong cả nước hội quân về thành phố để quyết tâm chặn dịch.

Nhìn vào tình hình lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và những tác động khủng khiếp của đợt dịch lần này đối với thành phố lớn nhất nước và có độ phức tạp về kinh tế - xã hội nhất nước, chúng ta phải đau xót nhận định: tâm dịch TP.HCM đang ở thời điểm buộc phải lựa chọn những quyết định sống còn nếu không muốn hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội bị khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19.

Chính quyền đã lựa chọn, và đó là một lựa chọn can đảm. Nguồn lực an ninh, quốc phòng được huy động để TP.HCM quyết chiến với dịch bệnh và giành cho mình quyền quyết định sinh tử trước dịch bệnh Covid-19. Khi những người lính vào cuộc, kỷ luật quân đội cùng với truyền thống “quân dân như cá với nước” sẽ đem đến cho người dân TP.HCM sự yểm trợ kịp thời và quý giá để vượt qua thử thách chưa từng thấy lần này.


Chúng ta hy vọng ở nhiều “mặt trận y tế” mà người dân đang phải tự lực chiến đấu với Covid-19 ngay tại nhà mình, sẽ có mặt kịp thời những chiến sĩ quân y yểm trợ. Chúng ta hy vọng ở những điểm nóng bệnh viện chữa trị Covid-19 sẽ có thêm lực lượng y tế tình nguyện về hội quân để chia lửa. Chúng ta hy vọng kỷ luật chấp hành mệnh lệnh “ai ở đâu ở yên đó” sẽ được thiết lập vững chắc để tuyến y tế có thể triển khai các giải pháp kiểm soát dịch tễ hiệu quả hơn.

Lúc này mỗi người dân cũng phải biết đâu là lựa chọn sống còn. “Ai ở đâu ở yên đó” không thể là một phương châm chống dịch chung chung để mỗi người tự vận dụng cho hợp với nhu cầu của mình, mà phải được hiểu là một mệnh lệnh thời chiến cần đến sự hy sinh của người dân. Phải hiểu là hy sinh. Tức là phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng, chịu đựng những thiếu thốn tiện nghi, tiết giảm nhu cầu trong vài tuần, cùng nhau đồng cam cộng khổ để quyết tâm ngăn chặn kẻ thù dịch bệnh. Đó sẽ là lựa chọn có ý nghĩa sống còn của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Chính quyền và nhân dân TP.HCM vẫn còn nguyên cơ hội phía trước để giành lại thế chủ động trong “trận đánh lớn cuối cùng” lần này. Nguyên tắc tác chiến “quyết liệt, nhất quán, chặt chẽ” cần phải được các lực lượng thực thi trên quan điểm không nhượng bộ, vì chỉ có như vậy thì sự hy sinh lần này mới có ý nghĩa.

Chính quyền phải hành động trên cơ sở lựa chọn “lần này hoặc không còn cơ hội nữa” để không một ai trong đội hình được phép tuỳ tiện vi phạm kỷ luật chống dịch, từ việc kiểm soát đi lại đến việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hay tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Lãnh đạo thành phố và bộ máy chính quyền các cấp phải thực hiện bằng được những cam kết về đảm bảo an sinh đã công bố với người dân để tạo nền móng lòng tin vững chắc cho người dân. “Trận đánh lớn cuối cùng” mà thiếu hụt lòng tin của nhân dân sẽ rất khó để thành công. Buông bỏ cam kết với dân sẽ là tự huỷ hoại chính sức mạnh của đội ngũ.

Mỗi người dân, mỗi gia đình cần đồng tâm ủng hộ quyết sách của chính phủ, sát cánh cùng với chính quyền, không tuỳ tiện vi phạm kỷ luật chống dịch. Vì lúc này, vi phạm kỷ luật chống dịch là hại mình và hại cả cộng đồng.

Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.