Đừng để dân tự về, tự lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhìn những đoàn người đông đúc, đùm đề, lỉnh kỉnh, mệt mỏi, kéo nhau rời TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... trở về quê miền Trung và Tây Nguyên để tránh dịch Covid-19 mấy ngày qua, ai cũng xót lòng.

Trong số ấy phần ít là sinh viên, còn lại hầu hết là lao động ngoại tỉnh vào miền Nam mưu sinh, chủ yếu làm công nhân nhà máy hoặc kiếm sống tự do. Họ về quê bằng xe máy, có cả trường hợp về bằng xe đạp, thậm chí đi bộ, bất chấp nhọc nhằn gian lao, kể cả ẩn họa tiềm tàng ai đó có thể mang theo là virus SARS-CoV-2, rất dễ phát tán ra cộng đồng.

Bằng chứng là 2-3 tỉnh đã xét nghiệm ngẫu nhiên người từ phía Nam về quê và phát hiện một số trường hợp dương tính Covid-19, đồng nghĩa rằng nguy cơ gieo rắc dịch bệnh từ những F0 này cho đoàn người đi chung là rất cao, gây lo lắng cho cộng đồng dân cư nơi họ trở về và thực hiện cách ly.

Dù biết tự ý rời các địa phương đang thực hiện giãn cách là vi phạm quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg, dẫu biết đường về hiểm nguy biết mấy nhưng họ vẫn quyết rời đi, vì sao vậy? Vì sinh kế ở nơi tạm cư hẹp dần từng ngày. Có tiền mua đồ ăn cũng khó, rồi tiền cũng hết, chỗ trọ đến ngày phải trả tiền thuê, chốn trọ lại chật kín người, dễ lây dịch bệnh trong khi chưa biết ngày nào có thể đi làm trở lại, thì lấy gì nuôi nhau? Đâu thể nhờ vào đồ ăn thức uống từ thiện mãi.

Vẫn có giải pháp hợp lý, hợp tình để giải quyết vấn đề này.

Công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rõ "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31-7-2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)". Trước đó, hôm 16-7, Thủ tướng cũng chỉ đạo "các tỉnh, thành phối hợp với TP HCM có kế hoạch chuyên chở người lao động về địa phương, thực hiện quy định cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa...". UBND TP HCM cũng vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phối hợp tổ chức đưa người dân có nguyện vọng về quê...

Như vậy, chủ trương đã rõ và nhất quán, vấn đề còn lại là hành động. Người dân nhập cư đang cực kỳ khó khăn đâu có thể chờ đợi lâu được, vì vậy các cấp, ngành có thẩm quyền phải vào cuộc nhanh hơn, trách nhiệm hơn và nhiệt huyết hơn.

Trong lúc chưa kịp tổ chức đưa dân về quê với số lượng lớn cùng lúc được thì trước hết cần nắm bắt chính xác số lượng, hoàn cảnh trên địa bàn và huy động tổng lực các lực lượng, đoàn thể hỗ trợ họ một cách kịp thời, bài bản bằng nhiều nguồn lực. Ba điều thiết yếu họ cần là cái ăn, chỗ ở và an toàn sức khỏe. Các địa phương đều đang thực thi "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để truy tìm F0, F1... thì cũng thông qua đó, việc nắm bắt thông tin cư dân trên địa bàn có khó gì?

Tranh thủ "thời gian chờ" đó, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đưa người dân có nguyện vọng về quê một cách tuần tự, quy củ, như 2 tuần qua không ít tỉnh, thành đã phối hợp với hội đồng hương, cùng sự hỗ trợ của một số hãng vận tải hành khách làm khá tốt.

Đây cũng là cách tạm thời giãn dân, giảm thiểu nguy cơ truyền nhiễm bệnh trong cộng đồng, nhất là đối với TP HCM.

Theo TÂY TRÀ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.