Đồng lòng để thắng đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 19-8, một người em hàng xóm cách nhà tôi 2 căn nhận được tin từ bệnh viện báo về: Bố cậu ấy đã mất sau 4 ngày nằm viện bởi Covid-19.

Chỉ một tuần trước, bố cậu ấy còn tập thể dục trong con hẻm và sửa chiếc xe đạp cho đứa cháu nội.

Thật tàn khốc và bất ngờ. Cuộc sống yên bình trong con hẻm cụt gồm 10 căn nhà bỗng chốc đảo lộn. Một người hàng xóm khác thấy mệt mỏi và 2 ngày sau đã thở không nổi. Liên hệ khắp nơi, cuối cùng Bệnh viện Hoàn Mỹ nhận cấp cứu và qua kiểm tra bác sĩ cho biết anh ấy đã mắc Covid-19. Nếu chậm một ngày bệnh viện cũng không thể cứu nổi. Kiểm tra nhanh tại trạm y tế, con hẻm bé xíu này đã có 12 người mắc Covid-19.

Vào tối cùng ngày, Bộ Y tế công bố chỉ trong 24 giờ qua phát hiện thêm 10.639 ca mắc, tử vong 380 người, trong đó riêng TP HCM tử vong hơn 300 người. Những con số đó đòi hỏi tất cả mọi người phải xem cuộc chiến với dịch bệnh là cuộc chiến sống còn.

TP HCM đã trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội với mục đích cao nhất là ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Lần này cũng thế. Lãnh đạo TP yêu cầu từ ngày 23-8 người dân TP "ai ở đâu, ở yên đó". Chỉ với cách này chúng ta mới hy vọng số ca mắc trong cộng đồng giảm dần, áp lực với các cơ sở y tế vơi bớt, tiềm lực quốc gia chăm sóc cho người dân được duy trì và hệ quả của tất cả những vấn đề trên là giảm đi những cái chết thương tâm, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Các đợt giãn cách cũng đặt ra hàng loạt vấn đề: Nhanh chóng cải thiện hệ thống cung ứng thực phẩm; chăm lo chu đáo cho những người nhập cư, mất việc làm; tổ chức bài bản đưa người dân về quê và tranh thủ thời gian này để phủ vắc-xin toàn bộ người dân TP. Những vấn đề trên nếu làm không tốt đều có thể dẫn đến bi kịch.

Sư bất tiện, lo lắng thậm chí là thiếu thốn khi giãn cách xã hội là không thể tránh khỏi nhưng chúng ta phải chấp nhận để trả cái giá thấp nhất trước tai họa. Sự xuất hiện virus SARS-CoV-2 đã làm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới trải qua những thời khắc chưa bao giờ có trong lịch sử: từng quốc gia bị khủng hoảng, hàng triệu người tử vong, kinh tế toàn cầu đình trệ, bao phận người phải long đong. Và kỳ lạ thay, loài người sợ thiếu một thứ mà bao đời nay mình luôn có: Ôxy.

Hình dung như thế biết chúng ta đang trải qua những gì và nguy hiểm đến đâu. Thiếu thốn, bức bối, chia ly và đau khổ… tất cả phải chấp nhận vì nó chưa bao giờ đối trọng được với cái chết. Huống gì dù giãn cách chúng ta vẫn còn thực phẩm để cầm cự, có phương tiện để giải trí, liên lạc được với người thân và quan trọng hơn, đó là cách chúng ta bảo vệ gia đình mình.

Nếu ai vẫn còn nghi ngờ về điều đó thì hãy tự vấn, mình có dám đánh đổi sức khỏe để tìm những phút vui quần tụ, có dám bước ra đường để rồi người thân có thể sẽ nằm viện thở qua một chiếc máy, thậm chí sẽ có tên trong những con số tử vong được công bố hằng ngày. Tôi tin rằng ai cũng không dám. Vậy thì hãy ở yên trong nhà. Lúc này là lựa chọn sinh tử và chỉ có cách tuân thủ đúng mới mong cùng nhau vượt qua đại dịch. Mỗi người hãy đồng lòng vì đất nước này.

Theo HIẾU NGHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.