Củng cố lòng tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu năm 2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố sẽ củng cố ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ là hợp tác với các quốc gia châu Á. Bản Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời nêu rõ: “Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy các mục tiêu chung”.

Bà Kamala Harris là Phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ và cũng là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ của Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam. Việc chọn Việt Nam là một trong những điểm đến cho thấy quốc gia Đông Nam Á được xem là một đối tác quan trọng của Washington trong khu vực. Một bên đã gửi trọn niềm tin và phía còn lại đã tạo độ tin cậy cao.

Thật vậy, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7-1995, đã có nhiều dấu mốc lịch sử trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư và an ninh - quốc phòng giữa hai nước. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), với kim ngạch 90,8 tỷ USD vào năm 2020, tăng 200 lần so với năm 1995. Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy có khó khăn nhưng vẫn đạt 53 tỷ USD. Điều này cho thấy hai nền kinh tế rất cần nhau, kết nối bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế đối thoại cấp cao nhằm trao đổi quan điểm, có được tiếng nói chung và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Cũng có những khác biệt cần xử lý, ví như vấn đề tiền tệ. Tuy nhiên, hai bên đã hình thành được tinh thần đối thoại một cách xây dựng, hiểu biết lẫn nhau và đã đạt được thỏa thuận mà theo đó, vấn đề này không ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương. Câu chuyện tiền tệ không chỉ là cách giải quyết một khúc mắc cụ thể, mà nó cho thấy cách thức xử lý của cả hai bên đối với vấn đề còn khác biệt. Từ nay có thể nảy sinh những vấn đề khác, nhưng chắc chắn sẽ có những cơ chế tham vấn một cách tin cậy và giải quyết thỏa đáng phù hợp với lợi ích của hai bên. Mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng được cải thiện trong những năm gần đây. Hoa Kỳ tích cực giúp Việt Nam năng lực về an ninh hàng hải. Hai bên tiếp tục các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy rửa chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ nhau quy tập tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Việt Nam và binh sĩ Hoa Kỳ. Những hoạt động như vậy không chỉ hàn gắn vết thương chiến tranh mà còn tạo dựng thêm hiểu biết về lòng tin trong hiện tại.

Ngoài những đóng góp, phối hợp ăn ý liên quan đến những nguyên tắc xử lý vấn đề về an ninh, kể cả truyền thống và phi truyền thống ở khu vực, hai bên còn hợp tác trong vấn đề nóng là biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ cũng đặc biệt quan tâm sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng, bởi nước này gắn kết không chỉ về chính trị an ninh mà cả về kinh tế thương mại với khu vực.

Mối quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam sẽ là đà phát triển cho Hoa Kỳ và các nước khác trong ASEAN. Việc tặng vaccine và trang thiết bị y tế phòng Covid-19 cũng có thể xem là thước đo mức độ nồng ấm trong quan hệ giữa các nước. Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ là nước viện trợ cho Việt Nam  nhiều nhất trong các đối tác về mặt phòng chống dịch, với 6 triệu liều vaccine, gần 21 triệu USD cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ vật tư y tế, kỹ thuật… Việc Hoa Kỳ quyết định đặt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội là cơ hội hợp tác không chỉ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, mà còn mở rộng ra toàn khu vực, cũng như nâng cao uy tín của Việt Nam.

Thế giới và cả khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong đối phó với dịch bệnh, thách thức trong mô hình cạnh tranh giữa các nước lớn, trong thay đổi về mô hình quản lý và phát triển kinh tế bao gồm cả sự  phát triển của khoa học công nghệ. Nhưng thách thức cũng đồng nghĩa với cơ hội. Với Việt Nam, cơ hội là sự tin tưởng - dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng các đối tác lớn vẫn rất coi trọng. Nếu nhìn về tương lai, có thể thấy từ những gì đã có trong 26 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, giữa hai nước đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác hiệu quả và lâu dài, trong đó có các nguyên tắc chủ đạo là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Ngoài vấn đề về an ninh, chính trị, lòng tin giữa hai nước thông qua các hợp tác đan xen, thông qua những con đường đối thoại xây dựng sẽ ngày càng được hun đúc và phát triển hơn nữa ở tầm song phương và cả tầm kết nối khu vực.

Đại sứ PHẠM QUANG VINH
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.