Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lo ngại trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, những người con ở mọi miền đất nước lập nghiệp tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã tìm mọi cách trở về quê với mong muốn được an toàn, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho địa phương đang có dịch.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có số lao động tại các tỉnh phía Nam rất lớn. Vậy nên, trong tuần qua, mỗi ngày có hàng ngàn người di chuyển về quê qua ngả đường các tỉnh Tây Nguyên. Các phương tiện vận tải khách tạm ngừng hoạt động nên đa phần người dân sử dụng phương tiện cá nhân để về quê, có gì đi nấy, kể cả xe đạp, thậm chí là đi bộ, miễn sao được về nhà một cách nhanh chóng, an toàn.

Người dân vui mừng khi được đặt chân xuống TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Người dân vui mừng khi được đặt chân xuống TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện


Trước thực trạng đó, nhiều địa phương trong cả nước đã lên kế hoạch và thực hiện nhiều chuyến bay, tàu hỏa hoặc ô tô để hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn được về quê một cách thuận tiện và an toàn nhất. Ngày 23-7, 192 công dân Gia Lai vui mừng khôn xiết khi là những người đầu tiên được tỉnh hỗ trợ về nhà bằng máy bay. Chia sẻ về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Lãnh đạo tỉnh chủ động lên kế hoạch và đưa bà con có hoàn cảnh đặc biệt và cấp bách về quê. Đây là việc làm cần thiết nhằm chia sẻ với các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây còn là trách nhiệm, tình cảm và sự quan tâm của tỉnh đối với người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể hỗ trợ người dân trên đường về quê khi đi qua địa phận Gia Lai.

Không thuộc diện được các tỉnh lập danh sách đón về, nhưng với mong muốn về nhà càng nhanh càng an toàn, trong khoảng 10 ngày qua, dòng người từ các tỉnh phía Nam theo quốc lộ 14 về Gia Lai, Kon Tum và miền Trung ngày càng đông. Tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110, huyện Chư Pưh (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Đak Lak), mỗi ngày đón tiếp cả ngàn lượt người, thực hiện phân luồng, khai báo y tế... Công việc áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, nhưng các chiến sĩ Công an, cán bộ y tế, tình nguyện viên… đều nhiệt tình hỗ trợ người dân từ hộp cơm, chai nước, lít xăng, kể cả chỗ nghỉ tạm để hồi sức trên hành trình về nhà. Trung tá Nguyễn Minh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1 (Công an tỉnh) cho hay: “Họ chủ yếu là công nhân của các doanh nghiệp và lao động tự do tại các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên phải di chuyển bằng xe mô tô để về quê. Khi đến chốt, hầu hết đã rất mệt mỏi sau hành trình dài. Vì vậy, chúng tôi đã vận động, quyên góp, gửi tặng hàng ngàn phần quà đến bà con. Người dân quanh đây cũng chung tay góp sức, có người còn tự gói 200 bánh tét tặng lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt và bà con về từ vùng dịch. Cùng với đó, nhiều người dân ở TP. Pleiku đã tổ chức gói bánh để sáng gửi xuống chốt tặng cho bà con”.

Không những vậy, với tinh thần “tương thân, tương ái”, người dân Gia Lai đã chung tay hỗ trợ hàng chục tấn rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu khác cho bà con các tỉnh, thành phố phía Nam trong những thời điểm khó khăn này. Hội Chữ thập đỏ các cấp đã kêu gọi, vận động người dân hỗ trợ gần 62 tấn rau củ quả với tổng trị giá 650 triệu đồng.

Ông Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh-cho biết: Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung có nhiều chương trình hợp tác cũng như dành nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân Gia Lai, nhất là người nghèo. Đặc biệt, khi Gia Lai bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam luôn đồng hành, sẻ chia và có sự hỗ trợ kịp thời. Giờ đây, các tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn do phải cách ly theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì người dân Gia Lai cũng đã kịp thời có những hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta tin rằng dịch bệnh rồi sẽ bị đẩy lùi. Hình ảnh người nông dân nghèo luộc bắp rồi bảo con đem làm quà cho các cô chú, các bạn và có cả trẻ em lót dạ để tiếp tục hành trình về quê… như tô thắm thêm tình dân tộc, nghĩa đồng bào, giúp thêm ấm lòng giữa đại dịch.

 

MINH THI
 

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.