Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Bàn về trách nhiệm của cha mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái chết thương tâm của mẹ con cháu Đào Đức Đạo (SN 2013, trú tại làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) trong vụ đuối nước xảy ra ngày 18-6 đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn thương tích đối với trẻ em trong dịp hè.

Vụ tai nạn không chỉ để lại nỗi đau thương, tiếc nuối cho gia đình, dòng họ mà còn gây sự chú ý của dư luận. Vụ đuối nước này đã đặt ra nhiều vấn đề cần phân tích, mổ xẻ để có biện pháp ngăn chặn những tai nạn tương tự. Trước hết, việc để một cháu bé 8 tuổi câu cá bên hồ nước sâu là vô cùng mạo hiểm. Bởi lẽ, ở lứa tuổi ấy, cháu bé chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết, trong đó có kỹ năng bơi. Đặc biệt, khi phát hiện con mình bị tai nạn, theo bản năng của người làm mẹ, chị Theng đã lao xuống hồ cứu con. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ này lại không biết bơi. Vì vậy, tai nạn “kép” đã ập đến. Nhiều người cho rằng: Nếu bà mẹ được trang bị kỹ năng bơi lội hoặc biết cách xử lý tình huống khẩn cấp thì cả hai sẽ không tử vong hay chí ít cũng có thể giảm thiểu thiệt hại về con người. Và, vấn đề không dừng lại ở chuyện trẻ con mà cả với những bậc làm cha, làm mẹ và cộng đồng.

Hiện trường nơi xảy ra vụ đuối nước tại lòng hồ B của Biển Hồ (thuộc thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: CTV
Hiện trường nơi xảy ra vụ đuối nước tại lòng hồ B của Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: CTV


Theo số liệu thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn đuối nước khiến 64 trẻ em tử vong. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ tai nạn đuối nước khiến 24 trẻ em tử vong. Đáng chú ý, nhiều vụ đuối nước đã cùng lúc cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em. Vụ đuối nước tập thể xảy ra mới đây tại khu vực lòng hồ B của Biển Hồ (TP. Pleiku) là một ví dụ.

Cùng với các loại tai nạn thương tích khác, những năm qua, đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh của gia đình và xã hội. Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè, số vụ đuối nước ở trẻ em lại gia tăng. Điều đó chứng tỏ môi trường sinh hoạt và vui chơi của trẻ em trong dịp hè là thiếu an toàn. Nhiều gia đình chưa chú trọng định hướng, tư vấn, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ trẻ em khi các cháu ra khỏi khuôn viên nhà trường, không còn chịu sự giám sát, quản lý của thầy-cô giáo.

Bàn về sự gia tăng số vụ và hậu quả của tai nạn đuối nước trong trẻ em, không ít người quy chụp trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở. Theo chúng tôi, đối với vấn đề này, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chỉ có thể đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và tạo điều kiện giáo dục kỹ năng bơi lội cho trẻ. Vấn đề quan trọng nhất thuộc về trách nhiệm của gia đình. Mặc dù Nhà nước vận động mở nhiều cơ sở dạy bơi, nhưng các cháu nhỏ có được học bơi hay không lại do cha mẹ quyết định. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cha mẹ là tấm gương sáng cho con cái noi theo và ngược lại. Nếu cha mẹ không biết bơi và cũng không chịu khó học bơi thì trẻ có tự giác rèn luyện kỹ năng này hay không? Cùng với quan tâm giáo dục kỹ năng bơi, việc giám sát, quản lý và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng là trách nhiệm của gia đình. Ngoài thời gian ở trường, trẻ em thường gắn bó với những người thân trong gia đình. Chính lúc này, ông bà, cha mẹ và anh chị trong nhà là người thầy dạy kỹ năng sống và là “cận vệ” ngăn chặn những nguy hiểm rình rập xung quanh trẻ. Chỉ cần buông lỏng giám sát, quản lý và không có biện pháp bảo vệ thì lập tức trẻ sẽ đối diện với nguy cơ tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước.

Mỗi cái chết hoặc hành vi xâm hại trẻ em thường kèm theo sự ân hận, giằng xé của các bậc cha mẹ. Để không còn cảnh ân hận muộn màng, ngay bây giờ, các bậc cha mẹ cần ứng xử có trách nhiệm với con cái.

Những ngày này, cả nước đang tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021) và Tháng Hành động quốc gia phòng-chống bạo lực gia đình với chủ đề “Gia đình bình an-xã hội hạnh phúc”. Vì vậy, trong kỳ nghỉ hè “nhuốm màu Covid-19” này, các bậc cha mẹ cần gần gũi, chia sẻ, động viên và giúp con cái tránh xa nguy cơ dịch bệnh cũng như tai nạn thương tích.

 

DUY LÊ
 

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.