Bảo vệ thành lũy cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

8h sáng! Những chiếc barie cách ly cứng được kéo ngang cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Dòng thông báo viết: Do tình hình dịch COVID-19, tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân”.

Kết quả sàng lọc đã phát hiện 10 ca dương tính COVID-19 ở bệnh viện này.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải phong toả khi trở thành cụm dịch với 42 ca nhiễm.

Bệnh viện K, trở thành bệnh viện thứ 5 phải phong toả trong đợt dịch mới chỉ kéo dài sang ngày thứ 11 này.

Rất choáng váng. Khi dịch đã vào đến bệnh viện, đến thành trì chống dịch. Khi COVID-19 đã tấn công đến thành luỹ cuối cùng.

“Thành trì chống dịch”, “thành luỹ cuối cùng” là từ dùng của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.

Từng nhiều lần sang Ấn Độ, hiểu rất rõ hệ thống y tế đất nước này, vừa trực tiếp hướng dẫn xử lý từng trường hợp cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nhiễm COVID-19 qua nền tảng khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ Hiếu từng viết rằng: “Điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ "vỡ trận" như Ấn Độ là bảo vệ thành trì y tế, không để COVID xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt, vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân bấp bênh sinh tử”.

“Thành lũy cuối cùng của chúng ta là cơ sở y tế. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra”.

Không ai mong muốn điều đó xảy ra cả. Và chính vì thế, bây giờ không phải là lúc truy nguyên, không phải là lúc bới móc hay trách cứ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói về 5 bài học được rút ra rồi.

Thực tế cho thấy sự phức tạp của dịch bệnh khi ngay cả những người tiêm vaccine cũng chưa chắc đã miễn nhiễm. Và khi thời hạn 14 ngày cách ly đã phải nâng lên 21 ngày cũng cho thấy sự khó lường của COVID-19.

Bạch Mai, một bệnh viện cực lớn - từng biến thành một ổ dịch, liên quan đến rất nhiều bệnh nhân, ở rất nhiều tỉnh thành. Và chúng ta đã cách ly, truy vết, dẹp dịch thành công.

Vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta không tiếp tục thành công, chừng nào vẫn bảo vệ được “thành luỹ cuối cùng”.


 

 Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một trong số những “chiến binh” tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Vũ Mạnh Cường
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một trong số những “chiến binh” tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Vũ Mạnh Cường


Người trong ảnh, với đôi dép tổ ong dưới chân, đầu húi cua và mang blouse trắng là bác sĩ Nguyễn Trung Cấp. Ông, cùng với những đồng đội của mình trở thành những chiến binh tuyến đầu ngay từ những ngày đầu dịch bệnh. Và nếu bệnh viện được coi là thành luỹ thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chính là thành luỹ của thành luỹ. Suốt một năm rưỡi qua, họ không ngày nào là không đối mặt với dịch bệnh, để giành giật sự sống cho người bệnh.

Xét cho cùng, bảo vệ “thành luỹ cuối cùng” không chỉ là dành ưu tiên mọi nguồn lực cho “thành trì”, cho những người tuyến đầu chống dịch mà có khi đơn giản là sự sẻ chia, đồng cảm, ủng hộ và nhất là niềm tin từ chính chúng ta.

Một chiến binh làm sao chiến thắng nơi tiền tuyến cho được nếu thi thoảng vẫn phải ngoảnh lại với những "viên đạn" thị phi phía sau.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bao-ve-thanh-luy-cuoi-cung-906464.ldo

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.